“Trái ngọt” của tiến sĩ 8X được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu

Google News

Trái ngọt của TS. Bùi Minh Tuân, người được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu, là công trình nghiên cứu xuất sắc về dự báo mưa. Đây là bước tiến mới, cải thiện khả năng dự báo mưa, một vấn đề còn nhiều thách thức ở cả Việt Nam và thế giới.
 

Lấp khoảng trống
Chúng tôi gặp TS. Bùi Minh Tuân (sinh năm 1988), Khoa Khí tượng và Hải dương học (KTTV&HDH), Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố danh sách nhà khoa học được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021. 
Giữ nguyên tâm trạng xúc động, vui mừng khi tên mình được xướng ở hạng mục đề cử “Giải thưởng trẻ”, Tuân tâm sự, đây là giải thưởng danh giá, thật vinh dự đối với người trẻ như anh. 
“Trai ngot” cua tien si 8X duoc de cu giai thuong Ta Quang Buu
 TS. Bùi Minh Tuân
Kể về công trình nghiên cứu mang đi tham dự Giải thưởng của mình, Bùi Minh Tuân cho biết, công tác dự báo khí tượng thủy văn đã có sự phát triển vượt bậc trong những thập kỉ qua, tuy nhiên mưa vẫn là yếu tố khó dự báo nhất. Đặc biệt, khác với dự báo hạn ngắn (từ 1 - 7 ngày) và dự báo hạn dài (3 tháng trở lên), dự báo hạn mở rộng (10-90 ngày) vẫn là thách thức lớn. Đây được coi là khoảng trống.
Say mê các hiện tượng tự nhiên từ nhỏ, sau khi hoàn thành cao học chuyên ngành khí tượng, năm 2013, nhà khoa học trẻ quê Thái Bình bắt tay nghiên cứu mưa với mong muốn “lấp đầy khoảng trống” đó.
“Ý tưởng ban đầu của tôi xuất phát từ sự phức tạp của hệ thống khí hậu Việt Nam. Trên thế giới, các hệ thống gió mùa lớn như gió mùa Đông Á, gió mùa Nam Á và gió mùa Tây Bắc Thái Bình Dương được nghiên cứu rất nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực giao tranh của các hệ thống gió mùa này, các nghiên cứu về mưa ở Việt Nam lại tương đối ít. Những vấn đề về các đặc trưng mưa và cơ chế gây mưa ở Việt Nam vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khí tượng”, nhà khoa học trẻ chia sẻ.
Mong muốn của Bùi Minh Tuân là trả lời các câu hỏi còn đang bỏ ngỏ như: mưa ở Việt Nam có sự biến động theo quy luật hoặc chu kì nào trong khoảng 10-90 ngày hay không? Nguyên nhân của sự biến động này là gì? Có tồn tại mối liên hệ của mưa lớn ở Việt Nam với các biến động ở quy mô thời gian này hay không? Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì mưa lớn được coi là hiện tượng “dị thường”, xuất hiện không có quy luật, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nhưng lại rất khó dự báo.
Bỏ cuộc không bao giờ là sự lựa chọn
TS. Bùi Minh Tuân kể, công trình nghiên cứu được thực hiện liên tục từ đầu năm 2013 - 2019. Trong khoảng thời gian tương đối dài đấy là những khó khăn, thử thách. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc lập trình để phân tích một khối lượng dữ liệu lớn dựa trên các thuật toán phức tạp.
“Trai ngot” cua tien si 8X duoc de cu giai thuong Ta Quang Buu-Hinh-2
TS. Bùi Minh Tuân tâm sự, thành công của mình có sự góp sức của gia đình. 
Minh Tuân cho biết, sau một số năm tìm hiểu, anh đã dành toàn bộ 1 năm để đọc hiểu các thuật toán và xây dựng các chương trình tính toán cho bộ số liệu lớn. Sau đó anh phân tích các quá trình vật lí dựa trên các kết quả, đó là thách thức tiếp theo.
Việc chọn lựa các khía cạnh quan trọng để phân tích cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Vì thế Tuân đã dành một năm tiếp theo để phân tích tất cả những kết quả có được trong năm trước.
Sau khi một số vấn đề phức tạp nhất được làm sáng tỏ, nội dung nghiên cứu được định hình. Trong năm cuối cùng, tác giả hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
Tuân kể, trong hành trình ấy, có rất nhiều lần anh cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc bởi lượng kiến thức quá lớn và nặng về toán học và vật lý. Hơn thế, rất ít người nghiên cứu về mưa theo hướng tiếp cận của Tuân ở Việt Nam, nên muốn tìm người trao đổi học thuật cũng khó. Đấy là sự cô đơn trong nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học trẻ này, may mắn anh được làm việc trong môi trường khoa học tuyệt vời. Những người thầy ở Khoa KTTV&HDH đều là những nhà khoa học đầy nhiệt huyết.
Tuân kể, mỗi lần muốn bỏ cuộc anh lại nghĩ đến PGS.TS Nguyễn Minh Trường, Trưởng Bộ môn Khí tượng và Biến đổi khí hậu, Khoa KTTV&HDH. “Mỗi lần nản quá, tôi lại nghĩ đến thầy mình để có thêm động lực phấn đấu. Thầy là nhà khoa học chân chính, không bao giờ lựa chọn bỏ cuộc. Họ sẽ theo đuổi mục đích của mình đến cùng”. 
Một may mắn nữa đó là sự phát triển vượt bậc của ngành Khí tượng trong những năm gần đây. Tại nơi Tuân làm việc có hệ thống siêu máy tính để phục vụ nghiên cứu. Những thành tựu mới nhất trong các lĩnh vực như viễn thám, đồng hóa số liệu, tính toán hiệu năng cao, trí thông minh nhân tạo… đều được áp dụng trong dự báo thời tiết. Đây là một tiền đề lớn để Tuân có được những kết quả nghiên cứu như đã được công bố.
Tuân cũng có một gia đình tuyệt vời, nhất là người vợ luôn động viên và cố gắng tạo mọi điều kiện để Tuân có thời gian làm việc.
“Trai ngot” cua tien si 8X duoc de cu giai thuong Ta Quang Buu-Hinh-3
Nghiên cứu của TS. Bùi Minh Tuân cơ sở lý thuyết quan trọng để cải thiện khả năng dự báo mưa và mưa lớn ở hạn mở rộng cho khu vực Việt Nam.
Và trái ngọt cho tinh thần không sợ hãi
Sau những đêm dài đằng đẵng, những ngày tháng không ngơi nghỉ, những cố gắng của Tuân đã được đền đáp. Tháng 4/2019, công trình nghiên cứu của Tuân được công bố trên tạp chí khí hậu của Hoa Kỳ, một trong những tạp chí có truyền thống nhất của ngành Khoa học khí quyển.
Những kết quả chính của nghiên cứu chỉ ra rằng, mưa ở Việt Nam có sự biến động theo quy luật với chu kì trong khoảng 10-25 ngày. Cơ chế vật lý của các biến động này đã được chỉ ra. Quan trọng hơn, các dao động có mối liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của mưa lớn ở Việt Nam.
Đây là cơ sở lý thuyết quan trọng để cải thiện khả năng dự báo mưa và mưa lớn ở hạn mở rộng cho khu vực Việt Nam. Dù còn khó khăn, Tuân cho biết, vẫn đang tiếp tục công việc để thể áp dụng những nghiên cứu của mình vào thực tiễn trong tương lai.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng hàng năm bởi Bộ KH&CN nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm nay, cùng với TS. Bùi Minh Tuân, PGS. TS. Ngô Đức Thành, một nhà khí tượng nổi tiếng được đề cử hạng mục “Giải thưởng chính” của giải thưởng này. Thành tích này cho thấy ngành khí tượng đang vươn mình mạnh mẽ và chắc không còn “lặng lẽ” như lời nhà văn Nguyễn Thành Long viết trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” năm xưa.
 

Mời độc giả xem video:Mê mẩn với con đường phong lá đỏ ở Hà Nội. Nguồn: THDT.


Lan Hoa