Nữ tình báo Tám Thảo tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung sinh năm 1932, nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
|
Chân dung nữ tình báo Tám Thảo xinh đẹp, đài các. |
Bà sinh ra trong gia đình giàu có, là tiểu thư cành vàng lá ngọc. Tuy nhiên, cô tiểu thư kiêu kỳ lại đến với nghề tình báo rất sớm. Năm 16 tuổi, bà “trốn” gia đình tự tìm ra vùng chiến khu và được giao nhiệm vụ lái đò đưa cán bộ qua sông. Người bà thường đưa đón chính là nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo.
Sau thời gian tập sự, bà được tổ chức đưa vào nội thành Sài Gòn làm giao thông viên bí mật.
Năm 1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, bà xin tập kết ra Bắc để gặp người yêu, nhưng ông Mười Hương (chỉ huy trực tiếp cụm tình báo H63 nổi tiếng lúc bấy giờ) thuyết phục bà ở lại. Là một nhà tình báo, điệp viên lão luyện, ông Mười Hương hiểu rõ, cuộc chiến trong Sài Gòn sắp tới có thể sẽ khốc liệt hơn, cần những người thông minh, tài giỏi, yêu nước… Khi nghe cấp trên đề nghị, tiểu thư Mỹ Nhung quyết định: “Vâng, thế em ở lại. Tổ quốc là trên hết”.
18 tuổi, sau thời gian nằm vùng chờ đợi trong vai trò một tiểu thư bán vải nức tiếng xinh đẹp ở chợ Bến Thành, Mỹ Nhung được tổ chức đặt bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo - Tám Thảo làm giao liên cho tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Từ đây Phạm Xuân Ẩn - Tám Thảo trở thành cặp bài trùng ăn ý thực hiện nhiều “phi vụ” trót lọt. Bằng sự sắc sảo, thông minh và nhạy bén trong xử lý tình huống, chính Tám Thảo là người đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi để ông gặp gỡ các lãnh đạo và nhận phân công nhiệm vụ. Đặc biệt, những thông tin, tài liệu mật của tướng Ẩn luôn được Tám Thảo đưa về chiến khu một cách trót lọt, an toàn.
Một trong những chiến công xuất sắc của Tám Thảo là vận chuyển 24 cuốn phim Kodak của tướng Ẩn từ nội thành ra Củ Chi vào năm 1961. Nhiệm vụ rất nặng nề bởi nếu bị phát hiện, hậu quả sẽ khôn lường, không chỉ cho tính mạng bản thân mà còn cho tướng Ẩn và cụm tình báo H63. Hơn thế tài liệu trong 24 cuốn phim có giá trị thông tin rất lớn.
Sau khi nhận tài liệu, bà giấu 24 cuốn phim Kodak trong giỏ và vào vai tiểu thư đài các về quê ăn giỗ. Tám Thảo bắt xe đò ra Củ Chi, khi xe chạy tới địa phận Hóc Môn thì bị địch chặn lại, khám xét.
Bình tĩnh, mưu trí, lo lắng trong lòng, nhưng bề ngoài, Tám Thảo tỏ ra “bình thường”. Bà lại gần đứng bên tên chỉ huy, chủ động gợi chuyện để thu hút. Bằng tài ăn nói, sự khéo léo bà khiến quân định lơ là, dễ dàng cho bà qua bốt kiểm tra, an toàn giao tài liệu cho tổ chức.
Năm 1966, bà thôi làm giao liên cho tướng Phạm Xuân Ẩn để bước vào nhiệm vụ mới. Cấp trên yêu cầu bà tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch và làm việc ngay trong lòng địch.
|
Nữ tình báo Tám Thảo ngày trẻ. |
Với khả năng tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát, Tám Thảo trúng tuyển và chọn làm thông dịch viên cho sỹ quan cố vấn người Mỹ làm việc cho ngụy.
Với vỏ bọc “hoàn hảo này”, Tám Thảo đã thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, đặc biệt là sơ đồ, bố trí lực lượng của tổng bộ hải quân ngụy; Tài liệu đánh giá của Mỹ ngụy về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương có những nhận định và xử trí thích hợp để giành chiến thắng trên chiến trường miền Nam.
Trong thời gian này, để giữ mình, che mắt địch, Tám Thảo luôn giữ cái đầu tỉnh táo, khéo léo, cơ trí trong từng tình huống bởi quanh bà là các mật thám, CIA Mỹ lão luyện của Mỹ…
|
Về già, nữ tình báo Tám Thảo vẫn giữ được nhan sắc xinh đẹp. |
Không chỉ ẩn thân qua mặt địch, với tư chất thông minh và tài ứng biến tài tình, Tám Thảo còn xuất sắc đánh lừa máy kiểm tra nói dối tân tiến của Mỹ.
Bà nhớ lại, ngồi trước máy kiểm tra nói dối, tự nhủ phải bình tĩnh, nên bà ngồi thoải mái trên ghế. Cuộc khảo sát bắt đầu: “Cô người Bắc hay Nam?”. “Bắc”. “Anh cô tập kết ra Bắc phải không?”. “Phải”. “Một năm cô gửi mấy lá thư ra Bắc?”. Nếu nói không gửi hoặc gửi nhiều quá đều rất nguy hiểm, nên bà quyết định trả lời: “Hai”…
Bà kể lại: “Quá trình kiểm tra, chúng kết hợp quay phim. Tôi cũng đấu trí bằng cách nhớ lại tên các nhân vật trong những bộ phim tôi đã từng xem, không còn quan tâm đến câu hỏi của chúng để tinh thần tỉnh táo cao độ, không bộc lộ một chút lo sợ”.
Sau cuộc kiểm tra, quân định hoàn toàn tin tưởng bà. Sau đó ít lâu, Tám Thảo đã lấy được tư liệu đánh giá của ngụy về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cho cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau năm 1975, cô tình báo xinh đẹp Tám Thảo chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa- Thông tin TP HCM. Năm 2002 bà về hưu và sống cuộc sống thầm lặng tại Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.
Sơn Hà