Chuyện khó tin về hành trình tự chủ vaccine của bác sĩ nổi tiếng Hoàng Thủy Nguyên

Google News

Năm 1962, trong điều kiện thô sơ và khó khăn, GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên, nhà virus học hàng đầu Việt Nam đã chế tạo thành công vaccin bại liệt. Sau đó, hàng loạt vaccin được sản xuất trong nước giúp Việt Nam tự chủ được nguồn vaccine.

Cuộc họp có 1-0-2
GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên (1929 - 2018) được đánh giá là “ông tổ” đặt nền móng cho việc tự chủ vaccin ở Việt Nam. Cả cuộc đời và sự nghiệp của GS. TSKH. Hoàng Thủy Nguyên gắn liền với sự ra đời của hàng loạt vaccine mang thương hiệu Việt. Khởi đầu là vaccine bại liệt.
Chuyen kho tin ve hanh trinh tu chu vaccine cua bac si noi tieng Hoang Thuy Nguyen
 GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên.
Trong những năm 1959 - 1960 bệnh bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc nước ta với khoảng 17.000 bệnh nhi, trong đó hơn 500 cháu tử vong. Mỗi năm có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Trong tình thế cấp bách, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch yêu cầu GS. Hoàng Thủy Nguyên và các nhà khoa học Việt Nam phải sản xuất được vaccine bại liệt để chủ động phòng chống dịch.
GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên được cử sang Liên Xô để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt ở dạng uống với tên gọi vaccine Sabin, loại vaccine do TS. Albert Sabin nghiên cứu thành công vào khoảng những năm 1954 – 1955.
Về nước, ngoài ba chủng virut không độc lực nhận được từ chính tay TS Albert Sabin, GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên trắng tay: không hóa chất, không cơ sở, không thiết bị... Nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Vì vaccine này chỉ có thể sản xuất bằng cách nhân virut trên thận của loài Khỉ vàng (Macaca mutala), GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên nhanh chóng tổ chức thành lập khu nuôi Khỉ vàng tại đảo Rều giữa vịnh Bái Tử Long.
Để tiếp sức cho ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp riêng cho ông 2.000 bảng Anh, một số tiền không nhỏ thời đó. Chắt chiu từng đồng, GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên dùng để mua dụng cụ, hoá chất từ Hồng Kông và mua một máy đông khô của Tây Đức.
Trong điều kiện khó khăn, thô sơ, năm 1962, một thành công ngoài sức tưởng tượng, GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên và các cộng sự đã sản xuất được 2 triệu liều vaccine chống bại liệt.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ai sẽ là người thử nghiệm đầu tiên vaccine bại liệt made in Việt Nam, bởi vaccine là virus sống giảm độc lực nên chỉ cần sai sót nhỏ sẽ trả giá bằng tính mạng.
Sau này, GS. TSKH. Hoàng Thủy Nguyên nhớ lại cuộc họp đầy quan trọng về thử nghiệm vaccine: “Vào hội trường, Bộ trưởng bảo: "Cậu mở một lọ ra". Tôi mở ra, Bộ trưởng bảo tiếp: "Cậu uống đi". Tôi uống luôn. Rồi Bộ trưởng cầm lọ thứ hai và uống nốt. Xong, ông bảo tôi cùng ông ra khỏi hội trường. Buổi họp hôm ấy coi như xong".
Sau đó vaccine này đã được triển khai phòng ngừa cho trẻ em trên toàn quốc. Nhờ tự chủ trong khâu sản xuất vaccine, bệnh bại liệt đã được khống chế.
Đặt nền móng cho chiến lược tự chủ vaccine
Theo các nhà khoa học, trong sự nghiệp của mình, đóng góp vô cùng to lớn của GS. TSKH. Hoàng Thủy Nguyên, đó là việc đặt nền móng cho chiến lược tự sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Chuyen kho tin ve hanh trinh tu chu vaccine cua bac si noi tieng Hoang Thuy Nguyen-Hinh-2
 Việt Nam đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine.
Nhận thấy sự sống còn của việc tự chủ vaccine, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư do GS. Hoàng Thủy Nguyên làm “thuyền trưởng” từ rất lâu đã đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất vaccine để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm.
Nhờ đó, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vaccine như: đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao, vắc xin phòng dại, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B...
Đặc biệt, với tầm nhìn xa và sự quyết đoán của GS. TSKH. Hoàng Thủy Nguyên khi làm quản lý, Việt Nam đã hình thành được mạng lưới các cơ sở sản xuất vaccine. Các vaccine được sản xuất trong nước đã cung ứng đầy đủ cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mời các bạn xem video: Suýt tử vong vì ăn cua mặt quỷ. Nguồn THTPCT. 


Thu Hà