TS Đoàn Lê Hoàng Tân đang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR). Ở tuổi 33, anh được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu - sáng tạo với những đóng góp xuất sắc. Anh có hơn 30 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và kỷ yếu quốc tế, 3 chương sách chuyên khảo xuất bản ở nước ngoài; chủ nhiệm một đề tài cấp nhà nước, một đề tài trọng điểm cấp ĐHQG-HCM.
|
TS Đoàn Lê Hoàng Tân làm việc với các cộng sự. |
Mê cái mới
Đoàn Lê Hoàng Tân tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hóa hữu cơ, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên. Anh được giữ lại trường làm việc trong phòng thí nghiệm. Tốt nghiệp Hóa hữu cơ nhưng anh sau đó lại gắn bó với vật liệu cấu trúc nano và phân tử.
Một lần, khi còn nghiên cứu tại trường, tham dự hội thảo khoa học do ĐHQG-HCM phối hợp ĐH UCLA tổ chức và giới thiệu về vật liệu khung hữu cơ kim loại (Metal-Organic Framework, MOF), Hoàng Tân nhanh chóng bị MOF thu hút vì mê cái mới.
Anh quyết định đổi hướng nghiên cứu từ hóa hữu cơ sang MOF. Sau đó, anh lấy bằng tiến sĩ vật liệu cấu trúc nano và phân tử thuộc chương trình hợp tác giữa ĐHQG-HCM và ĐH California ở Los Angles (UCLA), Hoa Kỳ.
MOF là loại vật liệu mới, kết hợp cả hai ngành hóa hữu cơ và khoa học vật liệu để ứng dụng giải quyết những vấn đề về năng lượng, y học, môi trường. Tiến sĩ Tân kể, tham gia chương trình này, anh và 9 nghiên cứu sinh được các chuyên gia hàng đầu thế giới hướng dẫn và làm việc trực tiếp. Vì vậy, anh và đồng nghiệp tiếp cận được nhiều xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới nhưng cũng gặp không ít áp lực.
Hằng tuần, nghiên cứu sinh phải báo cáo với chuyên gia hướng dẫn một lần và cứ mỗi ba tháng Trung tâm phải báo cáo một lần cho giáo sư Yaghi - giáo sư đầu ngành về vật liệu MOF trên thế giới. Yêu cầu nghiên cứu khoa học của các chuyên gia nước ngoài rất khắt khe, không phải ai cũng đáp ứng được.
“Vài bạn không chịu được áp lực hoặc có cơ hội du học nên bỏ dở nửa chừng, khóa tôi vào 10 người nhưng chỉ tốt nghiệp được 3. Nhờ đam mê MOF và tin vào con đường mình chọn nên tôi hoàn thành chương trình, đi thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ sau 7 năm nghiên cứu”, TS Tân nói.
Vật liệu nano trị ung thư
Sau khi tốt nghiệp, với khả năng chuyên môn nổi bật, Hoàng Tân được chọn sang Nhật Bản làm nghiên cứu sau tiến sĩ với GS Fuyuhiko Tamanoi (Đại học UCLA và Đại học Kyoto) để phát triển thế hệ vật liệu nano mới ứng dụng trong lĩnh vực y sinh, cụ thể là điều trị ung thư.
TS Hoàng Tân cho biết, trong tự nhiên có rất nhiều dược chất kháng ung thư nhưng các dược chất này không tan được trong nước nên không đến được tế bào ung thư. Vì vậy, anh và các cộng sự thực hiện nghiên cứu nhằm thiết kế vật liệu nano có tính tương thích sinh học, phân hủy sinh học, và khả năng mang dược chất trúng mục tiêu vào tế bào ung thư để trị bệnh.
Để thực hiện công trình này, nhóm TS Hoàng Tân dùng mô hình trứng gà để nghiên cứu. Hướng nghiên cứu mới về điều trị ung thư này rất phát triển và thu hút sự chú ý ở Nhật Bản cũng như trên thế giới bởi tính hiệu quả cao.
“Các kết quả nghiên cứu giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc giảng dạy tại khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên và Khoa Y, ĐHQG-HCM. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục hai hướng nghiên cứu là hóa hữu cơ và ứng dụng vật liệu MOF trong y sinh”, Hoàng Tân cho biết
|
Một cấu trúc vật liệu MOF do TS Đoàn Lê Hoàng Tân nghiên cứu và đặt tên là VNU-11. |
TS Đoàn Lê Hoàng Tân có chuyên môn sâu về tổng hợp vật liệu khung hữu cơ kim loại ứng dụng trong lĩnh vực xúc tác, vật liệu xốp phân hủy sinh học lưu trữ dược chất kháng ung thư. Năm 2019, TS Tân được Giám đốc ĐHQG-HCM bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm INOMAR.
Hoàng Tân còn là một trong 10 nhà khoa học trẻ đoạt giải thưởng KHCN thanh niên Quả cầu vàng năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng.
Theo Minh Châu/VTC