Đoàn Văn Hiếu cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc thi Olympic Vi Điện tử quốc tế AMO (Annual International Microelectronics Olympiad) diễn ra theo hình thức online. Trong thời gian 3 tiếng, nhiệm vụ của thí sinh tham dự là giải 18 câu hỏi, tương đương 18 bài tập viết bằng tiếng Anh.
|
Đoàn Văn Hiếu cho biết đề thi AMO khó, kiến thức rộng. |
Theo Đoàn Văn Hiếu đề thi khá khó với lượng kiến thức rất rộng, trải dài trên nhiều mảng của lĩnh vực vi điện tử. Thí sinh không chỉ đưa ra đáp án chính xác còn phải trình bày bài giải một cách khoa học, hợp lý để thuyết phục ban giám khảo.
Đoàn Văn Hiếu kể, trước khi tham dự AMO, Hiếu phải tham gia vòng quốc gia tại Việt Nam. Với việc xuất sắc vượt qua 110 thí sinh, Hiếu trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia AMO.
Để chuẩn bị cho đấu trường quốc tế, mặc dù thời gian không nhiều, song Hiếu cố gắng cập nhật các kiến thức liên quan đến vi điện tử, gồm thiết kế vi mạch số, thiết kế lý luận số, lập trình hướng đối tượng, thiết kế hệ thống số với HDL... Với một sinh viên, việc vừa học vừa nghiên cứu, tìm tòi là không hề dễ.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Hiếu kể, mỗi loại bài tập, Hiếu làm đi làm lại, nghiền ngẫm để từ đó rút ra kinh nghiệm riêng cho mình. Điều này giúp ích rất nhiều cho Hiếu khi gặp những đề bài mới. Từ những kiến thức đã học, Hiếu xâu chuỗi các dữ kiện và đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh nhất.
Ngoài ra, chàng sinh viên 10X mê khoa học cho biết thêm, các kiến thức có trong đề thi đều khá sát với chương trình đạo tạo ở Việt Nam. Vì thế, việc nắm chắc kiến thức trên giảng đường cũng giúp Hiếu không gặp khó khăn khi giải các đề bài AMO đưa ra.
|
Vượt qua hơn 300 thí sinh đến từ khắp thế giới, Đoàn Văn Hiếu đạt giải Ba, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chàng sinh viên thế hệ 10X. |
Với việc xuất sắc đạt giải ba tại AMO, Đoàn Văn Hiếu góp phần khẳng định trình độ của kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực vi điện tử.
Cuộc thi Olympic quốc tế Vi điện tử - AMO được tổ chức thường niên cho các kỹ sư và sinh viên công nghệ dưới 30 tuổi. AMO do Synopsys, một tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung cấp công cụ tự động hóa thiết kế điện tử tổ chức.
Năm nay cuộc thi quy tụ 370 thí sinh đến từ Armenia, Argentina, Brazil, Ai Cập, Peru, Nga, Serbia, UAE, Ukraine và Việt Nam. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đại diện Serbia, giải nhì Armenia và đồng giải ba đến từ Brazil và Armenia.