Khám phá thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ
GS. Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, 6 tuổi theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Thủa nhỏ, ông theo học trường trung học Jean-Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn).
|
GS. Trịnh Xuân Thuận |
Tốt nghiệp phổ thông năm 1966, GS. Trịnh Xuân Thuận qua Thụy Sĩ học kỹ sư. Sau đó ông quyết định theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California, rồi tại đại học Princeton, bang New Jersey, Mỹ.
Lần đầu tiên trong đời, tại đài quan sát trên đỉnh núi Palomar, thuộc tiểu bang California, chàng thanh niên Trịnh Xuân Thuận được quan sát sự huyền diệu của dải ngân hà, mặt trăng và ánh sáng từ hàng tỷ ngôi sao thông qua chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới thời bấy giờ với đường kính 5,1 m. Cuộc đời ông gắn bó với thiên văn vũ trụ từ đó.
Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ tại Princeton, GS. Trịnh Xuân Thuận giảng dạy ở Đại học Virginia từ năm 1976, và trở thành một chuyên gia nổi tiếng thế giới về ngành thiên văn học ngoài dải ngân hà.
Trong đó, nổi bật nhất là sự kiện GS. Trịnh Xuân Thuận là người đồng phát hiện ra thiên hà trẻ nhất được biết đến trong vũ trụ hiện nay, nhờ việc nghiên cứu các quan sát do kính viễn vọng không gian Hubble thực hiện. Đó là thiên hà I Zwicky 18.
Được gọi là I Zwicky 18, thiên hà này xuất hiện cách đây chỉ 500 triệu năm. Khám phá này gây chấn động bởi từ I Zwicky 18 cho phép con người tìm hiểu các thiên hà nhỏ đầu tiên vào thời kỳ ban sơ của vũ trụ.
Viết về vũ trụ theo cách đặc biệt
Ngoài nghiên cứu, GS. Trịnh Xuân Thuận viết sách. Từ những kết quả nghiên cứu, những phát hiện vô cùng hấp dẫn và lý thú của thiên văn học, GS. Trịnh Xuân Thuận mong muốn chia sẻ với mọi người về vẻ đẹp, sự hài hòa của vũ trụ và sáng tạo của thiên nhiên.
|
GS. Trịnh Xuân Thuận được đánh giá cao khả năng đại chúng hóa khoa học. |
Ông bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên ‟Giai điệu bí ẩn - La Mélodie secrète, xuất bản năm 1988″. Hiện đã có khoảng 20 đầu sách của GS. Trịnh Xuân Thuận được dịch và xuất bản tại Việt Nam như Nguồn gốc, nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu; Những con đường của ánh sáng, Sự đầy của cái không, Một đêm...
GS. Trịnh Xuân Thuận viết sách khoa học thường thức nhiều gấp ba lần sách nghiên cứu chuyên ngành.
Ông tâm sự: "Bởi tôi muốn gặp gỡ nhiều độc giả hơn. Nếu viết sách chuyên ngành phức tạp thì chỉ có khoảng mấy trăm người hiểu được. Tôi muốn những kiến thức về khoa học, vật lý thiên văn tràn rộng trong nhiều độc giả. Vì vậy tôi viết sách cho số đông. Nếu may mắn, sách của mình sẽ có cả trăm, nghìn người đọc”.
Khi viết sách, GS. Trịnh Xuân Thuận muốn giảng giải cho số đông công chúng về những ngôi sao, vũ trụ, về những gì mà những nhà thiên văn đã tìm ra; những hiện tượng mặt trời chết đi thành sao lùn, hoặc các sao nặng hơn mặt trời chục lần, mặt trời thành lỗ đen…
Đặc biệt, khi viết sách, ông không dùng khoa học mà viết về vũ trụ theo lối văn chương.
GS. Trịnh Xuân Thuận giải thích: Tiếng nói của vũ trụ là toán. Các khoa học đều dùng toán phương trình để tìm hiểu vũ trụ. Nhưng khi viết sách, tôi không dùng nó, mà dùng hình ảnh trong đời sống hàng ngày, để cho công chúng hiểu các ý niệm mà những nhà khoa học tìm thấy trong vũ trụ.
Chính vì thế, dù viết về những hành tinh xa xôi, những thiên hà lạnh lẽo, những hố đen bí ẩn… GS. Trịnh Xuân Thuận luôn cố gắng sử dụng một ngôn ngữ giản dị nhưng trong sáng. Ông hạn chế dùng những thuật ngữ quá chuyên sâu. Đối với những khái niệm khó, ông thường liên hệ với những hình ảnh trong cuộc sống thường ngày để làm ví dụ.
Ví dụ, trong cuốn sách mới nhất có tựa đề “Một đêm” (Phạm Văn Thiều, Phạm Việt Hưng dịch, NXB Trẻ, 2020), GS. Trịnh Xuân Thuận đưa người đọc bước vào một thế giới bao la, khám phá trời đêm bằng những diễn giải rất dễ hiểu. Là người yêu thơ ca, ông còn trích dẫn nhiều câu thơ, đoạn thơ của các thi sĩ nổi tiếng.
Ví như, khi viết về Mặt Trăng, GS Trịnh Xuân Thuận trích dẫn “Bài ca chim sơn ca” của John Keats: “Đêm dịu dàng/ Và có thể Hằng Nga đang ngự trị trên ngai/ Giữa đám sao tiên nữ/ Nhưng ở đây, nào đâu sáng tỏ/ Ngoài những cơn gió thoảng qua/ Trên những vòm lá tối sẫm và rong rêu của những con đường uốn lượn”.
Thậm chí ông còn trích cả “Romeo và Juliette” của W.Shakespeare: “Nào, hỡi đêm tối, hãy lại đây/ Romeo anh, hãy lại với em!/ Anh là ánh dương trong đêm tối/ Vì anh sẽ nằm dưới đêm tối của màn đêm…”.
Mùa xuân năm 2007, tác phẩm gây tiếng vang “Những con đường của ánh sáng” (Les Voies de la lumière) đã được Viện Hàn lâm Pháp trao Giải Moron. Hai năm sau, GS. Trịnh Xuân Thuận cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc (UNESCO) trao giải thưởng cao quý Kalinga về phổ biến khoa học.
Ngay sau đó, Học viện Institut de France trao giải Prix mondial Cino del Duca, ghi nhận những truyền tải thuyết phục các kiến thức phức hợp về khoa học vũ trụ khô khan, lại được hòa quyện dưới cái nhìn đầy chiêm nghiệm, giàu chất văn chương trong các tác phẩm nổi bật của ông.
Đánh giá về GS. Trịnh Xuân Thuận, ông François Delattre, Đại sứ Pháp tại Mỹ, đã trân trọng gọi nhà thiên văn học gốc Việt là “tài sản thế giới” khi đã cống hiến cuộc đời mình vì mục tiêu “đại chúng hóa khoa học".
Mời độc giả xem video:Cá tại tượng chiên xù. Nguồn: VTV24.
Thu Hà