Bỏ lại hào quang ở Pháp, GS. Trần Hữu Tước theo Bác Hồ về nước

Google News

“Nổi danh y học, tiếng vang anh hùng” là câu thơ cố Bộ trưởng Xuân Thủy dành tặng cho GS.BS. Trần Hữu Tước, người đã từ bỏ vinh hoa quý ở Tây để theo Bác Hồ về nước năm 1946 với mục đích cao đẹp là cống hiến cho quê hương.

Từ bỏ vinh quang theo Bác Hồ về nước
GS.BS.Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/1913 trong một gia đình trung lưu tại Hà Nội. Thời niên thiếu, ông nổi tiếng học giỏi nên được cấp học bổng sang Pháp du học.
Tại đây, GS.BS Trần Hữu Tước thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Paris, bảo vệ luận án bác sĩ xuất sắc năm 1940, ông được giữ lại trường chuyên ngành bác sĩ tai mũi họng, có tín nhiệm cao ở Pháp.
Bo lai hao quang o Phap, GS. Tran Huu Tuoc theo Bac Ho ve nuoc
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các trí thức tại Hội nghị chính trị hiệp thương năm 1964. GS.Trần Hữu Tước ngồi bên trái, cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Trong thời gian từ năm 1936-1946, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về tai mũi họng trên các tạp chí, có công trình được đưa vào Bách khoa toàn thư y học Pháp.
Là chuyên gia tai mũi họng nổi tiếng, người bác sỹ trẻ tài ba Trần Hữu Tước được mời hợp tác giảng dạy, điều trị tại nhiều bệnh viện của Pháp, thu nhập cao, sống sung túc tại Paris hoa lệ.
Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm nước Pháp. Tháng 6/1946, Người đặt chân đến Paris. GS. BS. Trần Hữu Tước được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Người nên có điều kiện tiếp xúc gần gũi bên Bác.
Sau đó,  GS.BS. Trần Hữu Tước theo Bác Hồ về nước. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Người đã hoàn thành, ông có thể trở lại Pháp để hoàn thành luận án thạc sỹ y khoa, gặp lại người bạn gái ngày đêm mong nhớ. Nhưng không khí sôi sục cách mạng của toàn dân tộc đã thôi thúc người bác sỹ Việt kiều tài năng ở lại.
Trong cuốn hồi ký viết năm 1993, GS. Trần Đại Nghĩa, một trong số trí thức theo chân Bác Hồ về Việt Nam năm 1946 nhớ lại: “Về Hà Nội, lẽ ra anh đáp máy bay trở lại Paris. Nhưng anh lặng lẽ từ chối và cùng chúng tôi vào chiến khu làm nhiệm vụ người thầy thuốc. Anh đã chịu ảnh hưởng về sự dạy dỗ của Bác Hồ hay bị cuốn hút bởi không khí sôi sục của toàn dân trong những ngày kháng chiến. Tôi chưa có dịp tâm sự với anh điều này... Tôi suy đoán có lẽ anh chịu ảnh hưởng của cả hai: Vì Bác và vì cả nước”.
Ông tổ của ngành tai mũi họng
Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, GS.BS.Trần Hữu Tước trực tiếp tham gia chiến đấu và làm công tác cấp cứu thương binh ở trung đoàn Thủ đô. Một thời gian sau, ông được điều động về Liên khu III, Liên khu IV, chịu mọi gian khổ để tiếp tục xây dựng chuyên ngành tai mũi họng.
Bo lai hao quang o Phap, GS. Tran Huu Tuoc theo Bac Ho ve nuoc-Hinh-2
Anh hùng Lao động Trần Hữu Tước (phải) tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (12/1966).
Ông nhớ lại “Khi đầu kháng chiến, ít ai biết đến chuyên khoa tai mũi họng, ngay cả trong giới y... May khi được lệnh rút khỏi Thủ đô, chúng tôi mang theo một số dụng cụ để khám và chữa tai mũi họng. Dụng cụ thì nhiều, không sao mang đi hết, tôi đeo trên lưng dụng cụ mổ xẻ chuyên khoa trên 30 kg vừa đi vừa bò dưới cầu Long biên để ra chiến khu”.
Dù thiếu thốn cơ sở vật chất, với sự giúp đỡ của 2 y tá giúp việc, ông vừa cõng trên lưng ba lô bộ đồ nghề đi kháng chiến vừa xây dựng ngành tai mũi họng.
Mới đầu ông xây dựng Bệnh khoa tai mũi họng ở Văn Điển. Giặc chẳng để ông yên, ông cùng khoa chạy giặc qua nhiều nơi rồi vào Liên khu III để nhập với Bệnh viện thực hành Liên khu III - IV.
Rồi ông lên Việt Bắc, cùng một vài học trò và cộng sự xây dựng Bệnh viện Tai Mũi Họng ở trong rừng an toàn khu Việt Bắc, phụ trách Tai Mũi Họng Trung ương và Việt Bắc.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông về tiếp quản Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai. Trong các năm 1954 - 1957, ông xây dựng và phát triển cả Khoa Tai Mũi Họng và Bộ môn Tai Mũi Họng của Trường đại học Y Dược Hà Nội.
Từ 1958 - 1969, ông đảm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1969 thành lập Viện Tai Mũi Họng và trước đó (1961) thành lập Hội Tai Mũi Họng Việt Nam.
GS. Võ Tấn, một chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng ở Việt Nam đã viết về GS. Trần Hữu Tước: "Chúng tôi coi GS. Trần Hữu Tước là sư tổ của chuyên khoa tai mũi họng hiện đại”.
GS. Võ Tấn còn viết: "Ảnh hưởng của GS. Trần Hữu Tước đối với ngành y rất lớn. Sau Hiệp định Genève, nước ta tạm chia làm hai miền Bắc và Nam. Địch tìm mọi cách để lôi cuốn nhân dân theo chúng vào Nam, nhất là đối với trí thức. Một số bác sĩ dao động. Khi gặp nhau câu hỏi đầu tiên là: Cậu ở hay đi? Có người mạnh dạn trả lời thẳng: Sợ gì, Tước nó còn ở được, tại sao mình không ở được. Ý nói là BS. Tước quen sống sung sướng bên Pháp mà còn chịu gian khổ được tại sao chúng mình không bằng anh ấy. Thế là một số bác sĩ ở lại và họ đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ".
Với những cống hiến cho Tổ quốc, GS.BS. Trần Hữu Tước được Đảng và nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Hai huân chương kháng chiến hạng nhất, anh hùng lao động và giải thưởng Hồ Chí Minh,
GS.BS. Trần Hữu Tước lâm bệnh và tạ thế ngày 23/10/1983, thọ 71 tuổi.

Mời độc giả xem video:Điểm tuần: Cô giáo, Cô thơ, COVID, Cô đơn. Nguồn: VTV24.


 
Sơn Hà