Thầm lặng đi thẳng vào lòng địch
Trong cuốn sách “Những chiến công thầm lặng” trưng bày tại Bảo tàng Tổng cục II, hồ sơ về Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Phạm Ngọc Thảo được đánh số 15 với những thông tin ngắn gọn nhưng đủ sức góp phần trả lời cho những ai tò mò về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
|
Đại tá Phạm Ngọc Thảo |
Đại tá Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922, tại tỉnh Long Xuyên. Ông là con thứ chín nên còn có tên gọi khác là Chín Thảo.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo tham gia cách mạng năm 1945. Năm 1946, ông được cử ra Bắc học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Sau khi tốt nghiệp khóa 1 ở trường này, ông lập tức trở về miền Nam.
Cuối năm 1947, được cấp trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (cơ quan tình báo của ta). Với tinh thần trách nhiệm, trong một thời gian ngắn, ông đã thống nhất được các lực lượng tình báo toàn Nam Bộ.
Năm 1949, ông được điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, tiểu đoàn đã chiến đấu nhiều trận thắng lợi lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng.
Sau Hiệp định Geneva 1954, ông nhận nhiệm vụ ở lại miền Nam, với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập đi sâu, leo cao vào chế độ ngụy quyền miền Nam, phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược.
Bằng những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của mình, tranh thủ những yếu tố tranh tối tranh sáng đầy bất ổn của chính trường Sài Gòn, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo đã xây dựng được cho mình vị trí khá nổi bật trong xã hội với những mối quan hệ thượng lưu đa dạng và rộng rãi.
Nhờ trí thông minh và kiến thức uyên bác, Phạm Ngọc Thảo được trí thức Sài Gòn hoan nghênh và anh em Ngô Đình Diệm tin dùng. Chính Ngô Đình Diệm đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc trung tá và cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).
Những năm làm tỉnh trưởng, với bình phong bất lợi nhưng ông đã cung cấp nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, thả hơn 2.000 tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân “tảo thanh” của địch vào chỗ không người. Những đóng góp này của Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã góp phần quan trọng vào việc bảo toàn lực lượng cách mạng, góp phần thắng lợi của phong trào Đồng Khởi Bến Tre.
Chuyên gia đảo chính
Những năm 1964-1965, là người có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Sài Gòn, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam. Các cuộc đảo chính này đã gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam.
|
Đại tá, tỉnh trưởng Bến Tre Phạm Ngọc Thảo. |
Sau hai cuộc đảo chính bất thành, mặc dù cấp trên yêu cầu rời khỏi Sài Gòn nhưng Đại tá Phạm Ngọc Thảo vẫn quyết trụ lại để tiến hành cuộc đảo chính cuối cùng.
Việc lớn không thành, ông bị bắt và bị tra tấn rất dã man, tuy nhiên, ông không để lộ tung tích của mình. Cay cú trước khí phách hiên ngang của người chiến sỹ cộng sản, địch đã ra tay giết hại. Ông mất vào đêm 17/7/1965 khi mới 43 tuổi. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.
Năm 1995, Đại tá Phạm Ngọc Thảo được Đảng, Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Trần Bạch Đằng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từng nhận xét rằng, các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo được đánh giá là nhà tình báo đặc biệt có một không hai.
Sau này, trong dòng đề tựa trong cuốn Ván bài lật ngửa, nhà văn Trần Bạch Đằng, với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, đã trân trọng viết "Tưởng nhớ anh Chín T. (Thảo) và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng".
Nhà văn Trần Bạch Đằng đã sử dụng chính hình tượng của Đại tá Phạm Ngọc Thảo để xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết này sau được dựng thành phim rất ăn khách (vai Nguyễn Thành Luân do cố diễn viên Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín đảm nhiệm).
Thu Hà (TH)