TS. Alexandre Yersin: Bác sỹ nổi tiếng thế giới nặng tình với đất Việt

Google News

Ông là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch vào năm 1894; ông cũng là người thám hiểm ra cao nguyên Lang Biang, khai sinh ra Đà Lạt. Ông từng coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Đó là TS. Alexandre Yersin, một bác sỹ người Pháp nặng lòng với Việt Nam.

Khám phá ra cao nguyên Lang Biang
TS. Alexandre Yersin sinh năm1863 tại Bang Vaud, Thụy Sĩ. Năm 20 tuổi, ông học ngành y tại Lausanne (Thụy Sĩ), sau đó tiếp tục học tại Marbourg (Đức) và tốt nghiệp đại học Pari (Pháp) với luận án Tiến sĩ y khoa. Từ năm 1886, Yersin làm việc tại Viện Pasteur và cộng tác với bác sĩ Roux tìm ra độc tố của vi khuẩn bệnh bạch hầu. Năm 1889, Yersin nhập quốc tịch Pháp.
TS. Alexandre Yersin: Bac sy noi tieng the gioi nang tinh voi dat Viet
 Yersin- vị bác sỹ nổi tiếng thế giới nhờ phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch.
Một tương lai rạng rỡ đang mở ra trước mắt chàng trai trẻ tuổi Yersin. Tuy nhiên, ngoài đam mê với y học, Yersin có ham muốn khám phá thiên nhiên.
Để thực hiện mơ ước khám phá những vùng đất lạ ông xin làm một bác sĩ trên con tàu vận tải lênh đênh trên biển. Năm 1892, ông đến Nha Trang, Việt Nam. Vùng đất khí hậu nhiệt đới đầy bí ẩn, hấp dẫn đã khiến bác sỹ Yersin quyết định sống, làm việc và gắn bó với mảnh đất này.
Tại đây, ông đã thực hiện những chuyến thám hiểm khám phá những vùng đất mới. Nhờ những chuyến đi này, Yersin đã tìm ra cao nguyên Lang Biang.
Đó là tháng 1/1893, ông thực hiện chuyến thám hiểm kéo dài gần 7 tháng. Sau khi vượt qua núi rừng hiểm trở và các làng mạc của dân tộc thiểu số, tháng 6/1893 Yersin phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên (cao nguyên Lang Biang), cao 1.500 thước, tức thành phố Đà Lạt ngày nay.
Yersin ghi trong sổ tay: "Ấn tượng thật là sâu sắc. Từ trong rừng thông bước ra, tôi thấy ngay trước mặt khu cao nguyên rộng lớn trơ trụi, giống như mặt biển đang cuộn lên những đợt sóng xanh rì. Rặng núi Lâm Viên với 3 đỉnh cao 2.000 thước, vươn lên từ chân trời phiá tây bắc, tạo nên bức phông hùng tráng làm tăng vẻ diễm lệ của vùng nầy".
Đến năm 1897, chính ông là người đề xuất với Toàn quyền Đông Dương, Paul Dumer, chọn nơi này làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng. Sau đó, bằng chuyến đi lên cao nguyên với vị Toàn quyền Đông Dương, ông đã tham gia quyết định việc thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.
Người đầu tiên tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch
Năm 1894, khi đang chuẩn bị thực hiện chuyến thám hiểm tiếp theo, theo yêu cầu của Chính phủ Pháp và Viện Pasteur, Yersin tới Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch hạch. Tại đây ông trông thấy xác người chết vì dịch hạch trên đường phố, giữa những vũng nước, trong các khu vườn, trên ghe thuyền đang cắm neo.
TS. Alexandre Yersin: Bac sy noi tieng the gioi nang tinh voi dat Viet-Hinh-2
 Yersin gắn bó phần lớn cuộc đời tại Việt Nam.
Khi phát hiện đồng nghiệp tìm vi khuẩn dịch hạch trong máu, Yersin cho rằng cách này không đúng. Theo Yersin, phải tìm vi khuẩn đó trong hạch.
Với sự trợ giúp của Vigano, một người Ý sống ở Hồng Kông, Yersin làm việc trong một cái lán bằng tre phủ rơm. Để có được những xác chết làm thí nghiệm, ông phải đút tiền cho những thủy thủ Anh có nhiệm vụ đem các xác chết đi chôn. Nhờ đó Yersin mới xuống được hầm chứa xác vài giờ trước khi xác được đưa ra nghĩa địa. Ông phải gạt lớp vôi phủ xác chết, tự cắt hạch từ xác chết đem về phòng thí nghiệm của mình.
Kính hiển vi cho thấy hằng hà sa số những hình ảnh đồng nhất của các vi khuẩn có hình gậy, hai đầu tròn. Yersin tiêm vi khuẩn vào chuột thì hai mươi bốn giờ sau chuột chết. Các thú vật thí nghiệm khác thì chết từ hai đến sáu ngày và trong tử thi đầy hạch.
Trong khoảng thời gian bảy ngày, Yersin đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch. Ông gửi về viện Pasteur Paris một số ống nghiệm đầy kín chất lấy ra từ hạch bịnh.
Khi dịch hạch tại Hồng Kông đã lắng dịu, Yersin về Pháp để cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thuốc chủng (vaccin) để ngừa, và huyết thanh (sérum) để trị dịch hạch. Khi việc chế tạo huyết thanh đã hoàn thành, Yersin xin trở lại Nha Trang lập một phòng thí nghiệm và xây dựng trang trại nuôi ngựa ở Suối Dầu để chế tạo thật nhiều huyết thanh phòng khi cứu trợ bệnh nhân các nước láng giềng.
Năm 1975, Hội nghị Sinh vật học Thế giới lần thứ Mười đã quyết định đặt tên vi khuẩn gây bệnh dịch hạch là "Yersinia-Pestis". Giới khoa học nhận định, bác sĩ Yersin chính là ân nhân của nhân loại khi ngăn chặn được bệnh dịch hạch thời đó.
Thêm nhiều dấu ấn
Năm 1902 - 1904, theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer, Yersin ra Hà Nội để thành lập và điều hành Trường Y - Dược Đông Dương tại Hà Nội - một cơ sở đào tạo Y khoa đầu tiên của bán đảo Đông Dương xây dựng theo mô hình của phương Tây.
TS. Alexandre Yersin: Bac sy noi tieng the gioi nang tinh voi dat Viet-Hinh-3
Bên cạnh y học, Yersin đam mê khám phá những vùng đất mới
Trong những năm tháng đầu đầy gian khó đó, Yersin đã hoạt động tích cực để thành lập Đại học Y - Dược và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường (một thành viên của Đại học Đông Dương năm 1906, sau này trở thành trường Đại học Y Hà Nội).
Với những đóng góp và cống hiến của ông cho lĩnh vực y học, năm 1904, Yersin được cử làm đại diện của Viện Pasteur Paris tại Đông Dương và Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang. Ông còn đảm nhận rất nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực Y tế.
Không chỉ đóng góp trong lĩnh vực y học, ông còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp.  
Ông chính là người đầu tiên nhập cây cao su từ Brazil về trồng ở Việt Nam. Không chỉ nhập cây về, ông còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su sao cho có hiệu quả cao nhất. Ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa.
Tại đây, những biện pháp chọn giống, những thao tác cạo mủ và làm đông cao su đã được nghiên cứu một cách có hệ thống. Nhờ đó, người trồng cao su ở Đông Dương thời trước không còn phải vất vả như trước nữa.
Yersin trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943. Theo ước nguyện của ông, khi khâm liệm, người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay ra biển để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình.

Mời độc giả xem video: Từ cô gái tư ti về ngoại hình đến Beauty blogger hàng đầu Việt Nam. Nguồn: Tin Tức VTV24.


Sơn Hà