Bước ngoặt cuộc đời GS. Trần Đông A - “Cứu tinh” của bệnh nhi dị tật bẩm sinh

Google News

Có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng GS. Trần Đông A luôn lựa chọn Việt Nam. Từ ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức đến ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi đều có bóng dáng của ông và minh chứng quyết định năm xưa của ông là chính xác.

Người khiến thế giới sửng sốt vì ca mổ song sinh năm 1998
Nhắc đến GS. Trần Đông A cây đại thụ của nền y học nước nhà, ai cũng biết ông là "kiến trúc sư" của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 cho đến ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi và rất nhiều ca mổ cho các bệnh nhân bệnh hiếm gặp.
Buoc ngoat cuoc doi GS. Tran Dong A - “Cuu tinh” cua benh nhi di tat bam sinh
GS. Trần Đông A 
Tuy nhiên, có một điều ít ai biết, GS. Trần Đông A từng có rất nhiều cơ hội sang làm việc ở các nước có nền y học tiến tiến. Đặc biệt, sau năm 1975, ông có thể đưa cả gia đình sang Mỹ và được cấp thẻ xanh, nhưng ông đã khước từ. GS.Trần Đông A chọn ở lại Việt Nam để cùng chung tay xây dựng nền y học nước nhà trong điều kiện đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu thời đó.
Sau này chia sẻ với báo chí, ông cho biết, từ chối sang Mỹ định cư là quyết định khó khăn nhất của ông lúc bấy giờ.
“Nhiều người nói tôi dại, vì với tay nghề của mình, lại nhận được sự bảo lãnh đặc biệt, tôi hoàn toàn có được cuộc sống và công việc tốt ở Mỹ mà nhiều người mơ ước. Nhưng tôi đã quyết định ở lại đất nước mình. Với tôi, đó là một quyết định lịch sử, là bước ngoặt đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Sau đó và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là một quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc”.
Và ông đã chứng minh những gì mình lựa chọn là đúng. Năm 1998, trong điều kiện đất nước còn nghèo khó, GS. Trần Đông A khiến cả thế giới sửng sốt khi mổ tách thành công hai bé song sinh Việt-Đức.  
GS. Trần Đông A nhớ lại, ca mổ vào thời điểm đó là cực khó, chẳng những với Việt Nam mà với cả thế giới. Hơn nữa, thời đó, kíp mổ thiếu thốn mọi thứ, từ chỉ khâu cho em bé, kháng sinh, đến thuốc sát trùng vết mổ rất rộng cũng không có. 
Hơn 30 năm sau, trong cuộc phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, trong số hàng trăm y bác sỹ tham gia ca mổ, có một vị bác sĩ lặng thầm theo dõi từng thao tác của các y bác sĩ trong phòng mổ chính là GS.BS Trần Đông A, chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 2, Trưởng ban tham vấn của ca phẫu thuật.
Tuy nhiên, các ca mổ ấy chỉ là hai trong rất nhiều công việc mà GS. Trần Đông A đã làm trong cuộc đời của mình. Ông đã mổ cho biết bao nhiêu bệnh nhân, trong đó có những ca mổ rất hiếm gặp.
Đó là ca mổ của bệnh nhi Võ Hà Trung vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Bệnh nhi mắc hội chứng rối loạn sản mô với sự thông động tĩnh mạch trong khắp phần loạn sản hiếm gặp trên thế giới. Được gia đình đưa đi các bệnh viện lớn trên cả nước nhưng không ai dám điều trị, cuối cùng bệnh nhi may mắn được giới thiệu tìm đến GS. Trần Đông A. Giờ bệnh nhi ngày nào của ông đã thành tài, gia đình hạnh phúc.
Trước ca mổ thành công của Võ Hà Trung, GS. Trần Đông A đã cứu được mạng sống cho một trường hợp hy hữu khác. Bệnh nhi bị một tật bẩm sinh rất nặng đã có biến chứng vỡ ra trong lồng ngực, không mổ gấp sẽ chết.
Ông kể thời đó thiết bị y tế rất khó khăn, đèn mổ cháy phải thay thế bằng bóng đèn ô tô. Nhưng ông không muốn đứa trẻ ông cứu sống phải chịu thêm thương tật khi lớn lên hoặc tử vong do biến chứng về sau nên thay vì cắt một bên phổi, ông lựa chọn đường đi khó hơn, đó là chọn cách bóc tách thùy phổi đã vỡ ra, giữ nguyên vẹn hai thùy kia dù cách làm này tốn rất nhiều thời gian, công sức.
“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác chiếc dao mổ bị dính rất chặt vào khi cắt bỏ phần phổi tổn thương nặng. Sáu giờ đồng hồ cứu cháu bé xong, ánh sáng và sức nóng của bóng đèn ô tô trong phòng mổ khiến tôi chóng mặt phải nằm lăn ra đất một lúc mới đứng dậy được. Lúc đó, tôi thấy hạnh phúc vì mình đã trả bệnh nhi về với cuộc sống bình thường đúng nghĩa”, BS Trần Đông A chia sẻ.
Còn tỉnh táo, còn cống hiến
Dù ở tuổi gần 80 nhưng GS. Trần Đông A vẫn sung sức, đầy năng lượng. Một ngày của ông sẽ bắt đầu lúc 5h sáng tập thể dục; 6h ăn sáng và 7h có mặt ở bệnh viện để họp giao ban nghe báo cáo các ca khó để cho ý kiến.
Buoc ngoat cuoc doi GS. Tran Dong A - “Cuu tinh” cua benh nhi di tat bam sinh-Hinh-2
Dù tuổi cao, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc vì "bệnh nhân cần ông". 
Ông chia sẻ, ông sinh ra vốn không khỏe mạnh, thể trạng cũng nhỏ bé, nhưng từ khi còn rất trẻ, ông cố gắng chơi không thiếu môn thể thao nào. Ông cho rằng, muốn đi chuyên sâu vào một nghề nặng cả về thể chất lẫn tinh thần như nghề y cần phải có ít nhất hai loại giải trí lành mạnh: thể chất và tinh thần.
Ông bật mí, môn thể thao ông ưa thích là quần vợt bởi môn thể thao này cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt nhìn, chạy, đứng, nghỉ rồi mới đánh banh. Hễ không tập trung là đánh bóng ra ngoài hoặc đánh vào lưới, điều này cũng giống như bác sĩ lúc mổ phải tập trung tuyệt đối mới đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Vì thế, ở tuổi ngoài 80, trí tuệ, tinh thần ông vẫn rất mẫn tiệp. Hiện nay, ngoài cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Đồng 2, ông còn phụ trách nghiên cứu các đề tài ghép tạng, tham gia giảng dạy, hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho nhiều trường đại học, bệnh viện lớn trong cả nước... 
Ông khẳng định, còn tỉnh táo ông sẽ cố gắng bởi bệnh nhân cần ông. Câu nói “bệnh nhân cần tôi” mà ông nói khi xưa trước những quyết định trọng đại, giờ ông vẫn luôn nhắc mình để cố gắng và cống hiến.
GS Trần Đông A sinh năm 1941, từng là phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiện nay ông là cố vấn chuyên môn cao cấp của Bệnh viện Nhi Đồng 2, phụ trách chương trình ghép tạng trẻ em của bệnh viện.
Năm 2006, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2008), danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2006).
 

Mời độc giả xem video:Trào lưu phủ xanh sa mạc. Nguồn: VTV24.


Sơn Hà