Khoảng khắc quan trọng thay đổi cuộc đời cậu bé "bất trị"
Trong những cuộc trò chuyện luôn bị ngắt quãng bởi lệch múi giờ giữa Việt Nam và Mỹ, Vương Thiệu Huy luôn khiêm tốn khi nói về mình và nhắc nhiều đến quãng đường gập ghềnh đưa Huy đến với khoa học.
|
Vương Thiệu Huy. |
Nhớ lại tuổi thơ, chàng trai 9X (sinh năm 1994) bật mí ngày bé khá bướng, mải chơi, thậm chí, thỉnh thoảng trốn học và vài lần gây gổ đánh nhau với các bạn.
Đặc biệt, có những giai đoạn mê lập trình đến độ “quên hết mọi thứ” khiến sức học sa sút xếp hạng 39/46 trong lớp. “Thời đó, một năm phụ huynh phải lên gặp thầy cô đến mấy lần”, Vương Thiệu Huy nhớ lại tuổi nhỏ "nổi loạn” của mình.
“Nhưng một khoảng khắc quan trọng khoa học đã thay đổi cuộc đời tôi”, Huy tâm sự.
“Đó là năm lớp 9, một hôm cô giáo dạy vật lý kể câu chuyện về thiên văn vũ trụ, mặt trăng, sao hỏa và về Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ- NASA... Lúc đó, không hiểu sao tôi như bị thôi miên, cảm thấy cực kỳ đam mê tìm tòi về vật lý thiên văn nói riêng và về khoa học nói chung”.
Sau ngày đó, lần đầu tiên trong đời, Huy chủ động tìm sách để đọc cũng như học tập một cách nghiêm túc hơn, nhất là các môn tự nhiên… Từ đó, Huy ước mơ trở thành một nhà khoa học.
Từ chàng trai bất trị, Vương Thiện Huy liên tiếp giành giải thưởng lớn. Năm lớp 10, chàng trai đạt huy chương bạc kỳ thi Olympic Hóa học; lớp 11 là huy chương đồng Olympic Toán học, giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật - Intel ISEF - cấp thành phố; lớp 12 là hai giải nhì kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Toán, Vật lý.
Huy còn tham gia Đường lên đỉnh Olympia (năm thứ 12). Mặc dù dừng bước tại cuộc thi tháng nhưng cuộc thi và những giải thưởng giúp Huy vượt qua được bản thân và từng bước trưởng thành.
Kỳ thực tập dài hạn tại NASA đáng nhớ
Tốt nghiệp THPT, Vương Thiệu Huy quyết định sang Nhật du học ngành Quản trị Kinh doanh, nhưng tình yêu dành cho vũ trụ, chuyện kể năm xưa của cô giáo vẫn luôn ám ảnh Huy. Năm thứ hai ở Nhật, Huy quyết định sang Mỹ.
“Mình đã mất ngủ để quyết ở lại Nhật học cho xong hay sang Mỹ làm lại từ đầu. Và cuối cùng đam mê đã chiến thắng”, chàng trai tâm sự.
|
Vương Thiệu Huy thực tập tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc NASA. |
Ở Mỹ, Huy chọn học toán và vật lý tại trường Cao đẳng Cộng đồng Pasadena, California. Để trang trải học phí, Huy vừa học vừa làm gia sư dạy toán, vật lý, và luôn tâm niệm phải học thật tốt để đạt học bổng.
Cùng với học, Huy tích cực “apply” các khóa học ngắn hạn như nghiên cứu hè 10 tuần ở Viện Đại học California – Berkeley (UC Berkeley), một trong những trường công tốt nhất nước Mỹ - về vật lý chất rắn.
Nhờ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, Thiện Huy được nhận vào thực tập dài hạn tại JPL (phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc NASA).
Kể về hành trình được nhận vào thực tập tại JPL, Huy cho biết vào được cũng không hề dễ.
Huy nộp hồ sơ vào cuối năm 2016 sau khi có được một chút kinh nghiệm nghiên cứu nho nhỏ về vật lý chất rắn tại UC Berkeley. Đến đầu năm 2018 Huy nhận được điện thoại về việc có thể đến JPL để thực tập dài hạn. Và Huy đã thực tập ở JPL trong suốt những năm cuối đại học (từ năm 2018).
“Cực kỳ may mắn tôi mới có được cơ hội này" - chàng trai nói về cơ hội có một không hai trong đời.
Vì lý do bảo mật không thể chia sẻ nhiều thông tin, nhưng Huy cho biết, những ngày ở JPL là những ngày đáng nhớ đối với một người trẻ quyết tâm đi theo con đường khoa học.
“Những lần đi ngắm mô hình tên lửa, vệ tinh, hay mô hình rover (robot thám hiểm trên sao Hỏa), nó cho tôi niềm tin và động lực để theo đuổi ước mơ. Những lần được hòa cùng mọi người tận hưởng cảm giác căng thẳng cao độ khi những chú robot đổ bộ lên sao Hỏa, dù tôi hoàn toàn không trực tiếp tham gia vào những công trình đó. Đó là cảm giác vui sướng và tự hào khi những con tàu được phóng thành công vào không gian”, Huy tâm sự.
Tiến gần hơn ước mơ bay vào không gian
Hiện ở tuổi 26, Huy đã ngừng thực tập tại JPL để dồn sức cho việc xin nhập học thạc sỹ. Đây gần như là điều kiện cần để trở thành một khoa học gia thực thụ, cũng là điều kiện để thử sức đăng ký chương trình phi hành gia. “Tôi muốn dồn sức để “hạ cánh thành công” thạc sĩ trong tương lai gần. Có như thế tôi mới tiến một bước gần hơn với giấc mơ thủa nhỏ: Trở thành phi hành gia bay vào không gian”.
|
Vương Thiệu Huy đang chuẩn bị học thạc sỹ để dần hiện thực hóa ước mơ từ thủa bé: trở thành nhà du hành vũ trụ. |
Huy cho biết thêm, những ngày này cùng với việc vùi đầu ôn thi, lúc rảnh Huy nghiên cứu những phương trình vi phân.
Phương trình vi phân gần như “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực khoa học hiện đại (trong đó có vật lý) và giúp “mở khóa” nhiều kiến thức, sự hiểu biết của con người. Vì thế, Huy nguyện theo đuổi cả đời bên cạnh giấc mơ làm phi hành gia.
Đây là lý do vào năm 2018, Huy có cơ hội công bố một thuật toán vi phân do chính Huy khám phá ra tại một trong những hội thảo toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM).
Huy kể, trong một lần làm bài kiểu tra cuối kỳ ở trường, Huy tình cờ phát hiện phương pháp viết ngược công thức để giải phương trình rất nhanh và hiệu quả thay vì sử dụng những công thức "đao to búa lớn".
Ngoài ra, Huy còn là chủ nhân dự án nhỏ có tên Alavois CE. Đó là phần mềm cân bằng phương trình hóa học tự động Huy viết từ lớp 10 (năm 2009), qua 3 phiên bản (phiên bản 1.0 ở Việt Nam; 2.0 ở Nhật; 3.0 - 3.2 ở Mỹ).
Lan Hoa