Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như một ngày hội lớn của mình.
Bằng sức mạnh vĩ đại và niềm tin tưởng tuyết đối vào Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước nói chung, đồng bào Thủ đô Hà Nội nói riêng đã tiến tới Tổng tuyển cử với những hành động thiết thực như: đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói; tiêu diệt giặc dốt với tinh thần "biết chữ để cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân”....
Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc đã được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Có một điều hết sức bất ngờ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày Tổng tuyển cử: đó là tại Thủ đô Hà Nội, 118 chủ tịch các Uỷ ban nhân dân và tất cả các đại biểu làng xã đã nhất trí công bố một bản kiến nghị với nội dung là: "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời đồng bào ngoại thành Hà Nội như sau:
"Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc Hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định.
Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa.
Xin cảm tạ các đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.
Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử ở Thủ đô Hà Nội đã làm nức lòng nhân dân Hà Nội và đồng bào cả nước. Đúng 7 giờ sáng ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân.
Người đã đi bầu ở Phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Người còn đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thuỵ Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.
Người đặc biệt cảm động khi chứng kiến có những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu, hoặc nhiều người mù vẫn nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân.
Ở khu Ngũ Xá, bọn phản động huy động một lực lượng đông có vũ trang cả súng liên thanh đến ngăn cản dân phố đi bầu cử, cấm treo cờ đỏ sao vàng, cấm đặt hòm phiếu.
Vậy mà nhân dân không chịu khuất phục chúng và họ đã kéo cả sang khu Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu. Kết quả là 172.765 trong tổng số 187.880 người (tức 91,95 % cử tri ) của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng xã ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đạt phiếu cao nhất (được 169.222 phiếu, tức 98,4 %).
Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới - thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất. Nó cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Mười bốn năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được đồng bào Thủ đô giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khoá II (năm 1960). Phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khoá II tại Hà Nội, trong buổi ra mắt cử tri ngày 24 tháng 4 năm 1960, Người cảm động nói:
“Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri”. Tôi trả lời: đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt ? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội Khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta”.
|
Ảnh: Người dân Thủ đô Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 5/1/1946 (Nguồn Tạp chí Phương Đông số tháng 4/2021). |
Sau khi nêu rõ tính dân chủ và sự ưu việt về bầu cử của chế độ ta so với bầu cử của các nước tư bản, cuối buổi nói chuyện với đồng bào Thủ đô, Người căn dặn: "Sau ngày Tổng tuyển cử, đồng bào Thủ đô ta cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần làm gương mẫu cho toàn thể nhân dân hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, chuẩn bị đầy đủ để bước sang kế hoặch 5 năm sắp tới…..
Cuối cùng, tôi xin thay mặt cho các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam ra ứng cử, và nếu các vị cho phép thì thay mặt cho các vị khác ra ứng cử ở Hà Nội, hứa với đồng bào rằng:
1.- Thủ đô Hà Nội ta được bầu 30 đại biểu vào Quốc hội khoá II, mà có gần 40 người ra ứng cử, đó là một điều tốt. Chúng tôi nhận rằng được đồng bào đưa ra ứng cử là một vinh dự lớn. Người được bầu và người không được bầu đều sẽ vui vẻ, phấn khởi và cảm ơn đồng bào.
2.- Những người được cử vào Quốc hội Khoá II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liên chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ Chủ nghĩa xã hội”.
|
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Tháng 1/1946, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước (ảnh sưu tầm).
|
Đã 53 năm Người đi xa, nhưng tình cảm của Người với đồng bào & chiến sĩ cả nước nói chung và đồng bào Thủ đô ta nói riêng, vẫn mãi mãi in sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Đặc biệt những nghĩa cử và trách nhiệm công dân của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho ta thấy một tinh thần, một thái độ và trách nhiệm của mỗi người đối với quyền và nghĩa vụ của công dân (trong đó có quyền bầu cử - quyền ứng cử) trong một nước vừa giành được tự do và độc lập.
Nguyễn Hữu Giới (Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam)