|
Quang cảnh hội thảo.
|
Dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sở Công thương; Hội Nông dân tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh cùng các hội thành viên, các nhà khoa học của Liên hiệp hội Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Trung tâm khuyến nông, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án“Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020", nhiều chỉ tiêu cụ thể đạt vượt mức đặt ra, ngành chè Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm, khẳng định được vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên và xác định được vị trí quan trọng đối với ngành chè Việt Nam: tổng diện tích chè toàn tỉnh năm 2020 đạt 22.396 ha (diện tích trồng chè lớn nhất toàn quốc); sản lượng đạt 244.502 tấn/năm, tăng bình quân 3,86%/năm; giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của Tỉnh. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 01 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha, tăng 233,5 triệu đồng so với năm 2015 là 36,5 triệu đồng/ha và vượt 100 triệu so với chỉ tiêu đạt ra 170 tr đồng/1 ha.
Tuy nhiên, sản xuất chè nguyên liệu chủ yếu thực hiện ở quy mô hộ, diện tích nhỏ (trung bình chỉ đạt 0,11 ha/hộ). Mặc dù phần lớn diện tích sản xuất theo hướng an toàn, nhưng tỷ lệ chứng nhận VietGAP còn thấp. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng trong việc sử dụng các nhãn hiệu chè Thái Nguyên được bảo hộ như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; việc ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm chè Thái Nguyên chưa đúng quy định; hệ thống kiểm soát các nhãn hiệu chè Thái Nguyên còn lỏng lẻo chưa có các quy định cụ thể về kiểm soát, chưa xây dựng được kế hoạch kiểm soát. Còn thiếu liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng chia sẻ, thảo luận và đề xuất một số giải pháp như: Không thu hẹp diện tích chè Trung du để phát triển vùng chè đặc sản Thái Nguyên; Cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (Giai đoạn 2026 - 2030: diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đạt 12.500 ha (chiếm 51% tổng diện tích chè), diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 500 ha (chiếm 2% tổng diện tích chè); Chế biến chè chủ yếu theo hướng sản xuất chè xanh chất lượng cao, gắn với vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến gắn với bảo quản sản phẩm; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, chế biến ứng dụng công nghệ cao tạo ra đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Chế biến chè túi lọc, chè mat-cha, nước uống từ chè, tinh chất chè, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh, kẹo từ chè…; Cần có giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển (hỗ trợ chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sản xuất chè hữu cơ trong 3 năm; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm chủ lực…)….
Ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, các tổ chức/cá nhân sản xuất chế biến và kinh doanh chè tại hội thảo sẽ được Liên hiệp hội tổng hợp thành khuyến nghị gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan nhằm phát triển ngành chè Thái Nguyên tương xứng với tiềm năng của Tỉnh.
Theo Hoàng Ngân/vusta