Đây là kết quả xét tại Phiên họp lần thứ XII của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023, diễn ra ngày 4-5.11.
Cụ thể, có 630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2023 từ 648 ứng viên được 28 Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đề xuất. Trong số đó, có 58 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh Giáo sư, 572 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh Phó giáo sư. Như vậy, tại vòng bỏ phiếu của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có 2 ứng viên Giáo sư và 19 ứng viên Phó giáo sư không đạt tiêu chuẩn.
Tỷ lệ ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đưa lên đạt tiêu chuẩn công nhận Giáo sư, Phó giáo sư năm nay đạt 97%. So với Hội đồng Giáo sư cơ sở, tỷ lệ đạt gần 85%.
|
Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp phiên họp lần thứ XII nhiệm kỳ 2018-2023. (Nguồn: Hội đồng Giáo sư Nhà nước) |
Ngành kinh tế có đông ứng viên được công nhận chức danh Giáo sư và Phó giáo sư nhất với 92 người; ngành Y học có 63 người. 3 ngành, liên ngành không có ứng viên được công nhận chức danh Giáo sư, gồm Ngôn ngữ học, Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học và Văn học.
Năm 2023, có 11 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư là nữ (năm 2022 chỉ có 4 người).
3 ứng viên Giáo sư trẻ nhất được công nhận năm nay sinh năm 1984 gồm Trần Xuân Bách, ngành Y học, Trường Đại học Y Hà Nội và hai Giáo sư cùng ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là Nguyễn Đại Hải, ngành Hóa học, công tác tại Viện Công nghệ Hóa học; Đoàn Thái Sơn ngành Toán học, công tác tại Viện Toán học.
Có 2 Phó giáo sư trẻ nhất sinh năm 1990, gồm Lê Thanh Hà (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Nguyễn Thị Hồng Nhâm (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh). Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2023.
Theo Dạ Thảo/1thegioi