MCD là thành viên của Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam (VIMASTA) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết, từ khi thành lập đến nay Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động có nhiều ý nghĩa, như Thí điểm thành công mô hình hỗ trợ quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển tại Nam Định nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Bà Huệ cho biết thêm, dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu
ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển sông Hồng” được tài trợ bởi USAID thông qua công ty DIG do MCD chủ trì và phối hợp với các đối tác thực hiện từ 2018 đến 31/03/2021.
Dự án này nhằm mục tiêu thử nghiệm các giải pháp công nghệ cải tiến, chi phí thấp, kết hợp các giải pháp xã hội trong việc cải thiện quản lý rác thải rắn dọc theo các dòng sông và tại cửa sông, góp phần quản lý rác thải rắn hiệu quả hơn và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường sông ngòi và môi trường biển của tỉnh Nam Định.
Tại cuộc họp tổng kết, MCD và đại diện chính quyền địa phương cùng các nhóm nòng cốt tại các khu vực trọng điểm của dự án đã báo cáo về quá trình thực hiện, triển khai các hoạt động và chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm thực hiện mô hình thí điểm, trong đó nổi bật là thử nghiệm thành công công cụ thu gom rác trên sông và kết nối các bên liên quan, thúc đẩy hợp tác công-tư-cộng đồng và lồng ghép sáng kiến dự án vào công tác quản lý chất thải rắn của địa phương.
Dự án đã đạt các kết quả vượt mức cam kết, hoàn thành mục tiêu đề ra, với trên 320 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, phân loại và xử lý thông qua các sáng kiến, giải pháp của dự án; trên 18.500 người trực tiếp tham gia các hoạt động dự án; gần 3.400 người được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động tập huấn, đối thoại và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa; khoảng 11.500.000 người được tiếp cận đến các thông tin liên quan đến dự án và các hoạt động đã được triển khai; 25 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã tham gia phối hợp triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quá trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải rắn và rác thải nhựa tại các địa bàn dự án.
Bà Huệ chia sẻ, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng MCD có mặt tại Giao Thủy từ 15 năm qua với nhiều hợp phần trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập nước. Tuy nhiên do thực tế rác thải ngày một khó kiểm soát, trong đó rác thải nhựa luôn là mối quan ngại của nhiều cấp nhiều ngành, nhất là các tổ chức, đơn vị đang nỗ lực trong bảo vệ môi trường thì việc huy động sự chung tay của nhân dân theo cơ chế đồng quản lý được coi trọng.
Tại xã Giao Hải ngay sau khi việc thu gom, kiểm đếm rác thải tại bãi biển được thực hiện trong năm 2019 đã thống kê được có tới trên 60% rác thải trôi dạt vào bãi đều là rác thải nhựa. Theo các tổ chức về môi trường quốc tế trong 50 năm qua, lượng rác thải nhựa tăng gấp 20 lần, dự báo có thể gấp đôi trong 20 năm nữa. Và đến năm 2050 trên biển sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn tôm cá. Trong khi đó để phân hủy được rác thải nhựa trong tự nhiên phải mất hàng trăm năm.
Xác định được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, từ đó có kế hoạch tái chế mang lại giá trị hữu ích được MCD nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hiệu quả. Ngay trong năm 2020, MCD đã cùng với địa phương triển khai thí điểm mô hình cộng đồng cùng quản lý môi trường xóm xanh, biển sạch tại khu dân cư 12 xã Giao Hải.
Theo đó, MCD đầu tư mỗi hộ dân 2 thùng rác đạt quy chuẩn thải đặt tại hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn bà con tự phân loại. Đây là đơn vị được địa phương chọn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Chính vì vậy, công tác vệ sinh môi trường được xã chỉ đạo chặt chẽ, cấp ủy, xóm đội cùng các tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng.
Trong ngày ra quân hưởng ứng chương trình cộng đồng cùng tham gia phân loại rác thải, đã có gần 100 hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh. Theo đó, ngay sau lễ phát động tại xóm 12, xã Giao Hải bà con đã tham gia thu gom rác ven đường, thống kê phân loại thành 2 nhóm rác hữu cơ và vô cơ thuận tiện cho khâu xử lý. Chuyên viên của dự án hướng dẫn bà con phương pháp xử lý theo một quy trình. Toàn bộ rác thải vô cơ được đưa về khu xử lý ủ làm phân vi sinh có sử dụng chế phẩm sinh học men vi sinh. Rác thải vô cơ tiếp tục chia tách làm 4 nhóm khác nhau gồm: Giấy, nhựa, thủy tinh, nilon có thể tái chế hoặc xử lý chôn lấp.
Trung tâm còn hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương tới địa phương, theo bà Huệ, Dự án do MCD chủ trì thực hiện từ tháng 01/2021 đến 31/08/2023 tại tỉnh Bình Định và mở rộng thực hành chia sẻ bài học kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa với sự tài trợ bởi Tổ chức Từ thiện Rockefeller (RPA) Hoa Kỳ thông qua chương trình Ocean 5.
Mục tiêu của Dự án là nhằm thực hiện, mở rộng quy mô thực hành đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung; hỗ trợ năng lực cho các đối tác cấp trung ương, địa phương xây dựng Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ kỹ thuật và chiến lược thực hiện đồng quản lý góp phần cải thiện và phát triển nghề cá bền vững.
Dự án rất có ý nghĩa với sự nghiệp của MCD trong thực hiện sứ mệnh kết nối các bên liên quan hỗ trợ địa phương và cộng đồng ven biển cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường sinh thái biển. MCD tin tưởng dự án sẽ thành công khi có sự chủ động và cam kết từ các đối tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở trung ương và địa phương, bà Huệ cho hay.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Nguồn: Truyền hình Nhân Dân
Theo HT/VUSTA