Xác định nội hàm khái niệm về "trí thức"
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VUSTA đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, đã có 153 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 Hội ngành toàn quốc, 596 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.
|
TSKH Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo "Đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội trí thức". |
TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, mục đích của cuộc hội thảo cũng là nhiệm vụ Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho VUSTA thực hiện để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6/8/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị cho nghị quyết mới về công tác trí thức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật được vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của trí thức VUSTA; nhận định những tồn tại, hạn chế trong hoạt động; đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách phát huy vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội trí thức trong thời gian tới nhằm góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mặc dù Nghị quyết 27 đã xác định "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội" nhưng vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương lúng túng trong xác định nội hàm khái niệm về trí thức, dẫn tới khó khăn trong việc xác định đối tượng, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức, ảnh hưởng tới việc đưa ra được giải pháp đúng, trúng và khả thi để thực hiện chức năng của hội trí thức.
Trong các báo cáo thống kê của nhiều địa phương về đội ngũ trí thức mới chỉ coi trọng đánh giá đội ngũ trí thức là cán bộ công chức nằm trong các tổ chức Nhà nước, rất ít có các số liệu thống kê đội ngũ trí thức bên ngoài Nhà nước hiện đang sinh hoạt và làm việc tại các hội trí thức, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác hiện có rất nhiều đóng góp cho xã hội.
Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, trí thức bên cạnh có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao còn có khả năng truyền bá và làm giàu tri thức và tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu thước đo để đánh giá trí thức thông qua kết quả tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, trong đó có những đóng góp trong việc hình thành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, hoàn thiện pháp luật Nhà nước, tham gia phân tích, đánh giá, kiến nghị các kế hoạch đề án, dự án cấp quốc gia và địa phương, trong và ngoài Nhà nước.
Thiếu thước đo quan trọng này gây ra những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.
Ngoài ra, việc sử dụng bằng cấp để xác định đội ngũ trí thức là đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội.
|
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. |
Tại Hội thảo, nhiều nhà trí thức, khoa học đề xuất trong thời gian tới, cần định vị lại vị trí, sứ mệnh và cập nhật định nghĩa về trí thức cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc CMCN lần thứ 4, xác định sứ mệnh cao hơn cho trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức, bảo đảm để trí thức được hưởng thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo; bổ sung chính sách trọng dụng, sử dụng trí thức không phải là đảng viên. Các ý kiến phản biện của trí thức tại các diễn đàn cần được tôn trọng và không bị "chụp mũ", quy kết để trí thức có thể thẳng thắn trao đổi, góp ý với Đảng, Nhà nước. Đồng thời cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở các tổ chức hội, hiệp hội khoa học…
Phát huy công trình nghiên cứu khoa học
Góp ý tại Hội thảo, GS. Nguyễn Lân Dũng, Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn cần vượt qua đối với các nhà khoa học. Đầu tiên phải kể đến là việc đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế với đất nước.
GS. Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: "Mong sao các đề tài nghiên cứu đều được hỗ trợ để các tác giả có thể đưa nghiên cứu đến được quy mô sản xuất thử, chứ không phải chỉ nghiệm thu để rồi… cất đi".
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chỉ khi nào các nhà khoa học nghiên cứu "đến nơi đến chốn", đưa nghiên cứu đến được sản xuất pilot (quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất), cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp thì mới có thể đưa ra sản xuất lớn.
"Tôi và các đồng nghiệp như cố GS Nguyễn Hữu Thước trước đây, đã nhiều năm nghiên cứu về tảo xoắn Spirulina nhập từ nước ngoài về, nhưng từ khi chúng tôi tạo được một mô hình pilot ở Hòa Lạc thì mới được một tập đoàn để tâm đến. Họ bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng hai nhà máy lớn tại Thanh Hóa và Lạng Sơn, tạo ra nguồn sản phẩm đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo nhân dân", GS. Nguyễn Lân Dũng cho hay.
|
GS. Nguyễn Lân Dũng, Hội Các ngành sinh học Việt Nam. |
Cũng theo GS Nguyễn Lân Dũng, hiện nay, các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục, mỗi Hội khoa học chuyên ngành nên biên soạn những cuốn sách tham khảo về lĩnh vực đó, để tiếp sức thiết thực cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, nhà khoa học cần quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp Việt Nam và không thể đứng ngoài cuộc CMCN lần thứ 4 bởi đây là cuộc cách mạng thay đổi cả thế giới và tác động đến cuộc sống của mọi người.
"Chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này? Hiện nay vấn đề thanh toán chất dẻo dùng một lần đang là trào lưu của cả thế giới, trong khi đó chúng ta đã có doanh nghiệp có thể sản xuất được các sản phẩm chất dẻo tự phân hủy nhưng sản phẩm hầu hết chỉ được bán ra nước ngoài mà không được hưởng ứng tiêu thụ ở Việt Nam", GS. Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc Hội nghị:
Thiên Tuấn