Giải pháp thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc

Google News

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay là một trong các quy hoạch ngành quốc gia cần được nghiên cứu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo phát huy hiệu quả của toàn hệ thống giao thông vận tải, phát huy tối đa lợi thế của vận tải hàng không. Do đó, này 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 336 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giai phap thuc hien quy hoach cang hang khong, san bay toan quoc
Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo Góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Giải pháp về cơ chế, chính sách hàng không
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP như: Đề án giao, quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; Nghị định thay thế Nghị định 102/2015/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không; Thông tư quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không; Nghị định sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP để hoàn thiện pháp lý trong việc kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất tại CHKSB.
Hoàn thiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo thuận lợi, căn cứ để kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức nhượng quyền khai thác đối với các CHK, SB đang khai thác.
Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường tại các CHK, SB; Áp dụng công nghệ sản xuất, thiết bị thi công hiện đại, đưa vật liệu mới vào đầu tư xây dựng các CHK, SB; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường trong khai thác tàu bay; giảm phát thải các hoạt động mặt đất bằng việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của dự án mới có tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, cải tạo, duy tu và vận hành CHK, SB.
Nghiên cứu, bổ sung các quy định cho việc tăng cường năng lực ứng phó sự cố môi trường tại CHK, SB.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên chất lượng nước; thu gom, lưu trữ và xử lý chất thải tại các CHK, SB.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu, năng lượng và giảm giá thành trong công tác xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không để tăng hiệu quả, hấp dẫn kêu gọi đầu tư.
Áp dụng công nghệ sản xuất, thiết bị thi công hiện đại, đưa vật liệu mới vào đầu tư xây dựng.
Giải pháp về phát triển nguồn lực
Tăng cường công tác đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực điều hành bay tại các CHK, SB, quản lý, khai thác các CHK, SB, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan QLNN trong việc quản lý đầu tư và quản lý nhà nước tại các CHK, SB.
Gắn kết giữa đào tạo với huấn luyện và thực hành, đồng thời tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo nhân lực hàng không với các doanh nghiệp hàng không nhằm đưa đào tạo sát với nhu cầu xã hội, gắn lý thuyết với thực tế và tận dụng thế mạnh của nhau trong việc đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không.
Chủ động hội nhập quốc tế về đào tạo hàng không: Mở rộng quan hệ quốc tế đa phương, trong đó tăng cường quan hệ hợp tác hai chiều với các tổ chức quốc tế và các quốc gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hàng không; tranh thủ tận dụng tối đa các nguồn lực và sự trợ giúp từ bên ngoài nhằm nhanh chóng tiếp cận và tiếp thu ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới cả trong lĩnh vực quản lý, khai thác, kỹ thuật và cung cấp dịch vụ.
Tập trung phát triển và nâng cao nang lực hệ thống cơ sở đào tạo về hàng không: chuẩn hóa hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ hàng không đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; thực hiện mục tiêu đào tạo gắn với hoạt động khai thác thực tiễn và nghiên cứu khoa học.
Áp dụng chế độ tuyển dụng công khai thông qua thi tuyển, thử việc trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ, khoa học và công bằng cho mọi đối tượng.
Xã hội hóa đào tạo nhân viên hàng không chuyên môn sâu thông qua các doanh nghiệp sử dụng lao động, gắn với sự quản lý của Nhà nước; xây dựng các trung tâm đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn chức danh nhân viên hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đổi mới công tác quản lý đào tạo: Phát huy tốt vai trò quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không, đặc biệt là vai trò của Nhà chức trách hàng không trong lĩnh vực nhân viên hàng không; Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tăng quyền tự chủ, tạo động lực và tính chủ động, áng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Nhà nước quản lý chủ yếu về mục tiêu, chiến lược, chính sách và kế hoạch dài hạn.
Giải pháp về hợp tác quốc tế
Tăng cường liên kết giữa các hãng hàng không Việt Nam với các hãng hàng không quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của hàng không Việt Nam. Từng bước mở cửa nâng tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng công trình cung cấp dịch vụ hàng không theo lộ trình, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể phát triển các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.
Giai phap thuc hien quy hoach cang hang khong, san bay toan quoc-Hinh-2
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. 
Tập trung phát triển các cảng hàng không quốc tế ở các thành phố lớn, đặc biệt thúc đẩy việc triển khai dự án xây dựng CHKQT Long Thành đã được Quốc hội thông qua về chủ trương và đang triển khai thực hiện.
Thúc đẩy phát triển các trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các CHK, SB. Phát triển các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vị trí và vai trò là trung tâm gốc tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ các trung tâm gốc này, phát triển theo hình rẻ quạt là các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế đồng thời kết nối với hệ thống mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng cạn, ga đường sắt các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung…
Phát triển mạng lưới đường bay quốc tế mới: bàn hành các cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ chế cạnh tranh về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không khi mở đường bay quốc tế mới, đồng thời tạo điều kiện để các hãng hàng không phát triển thương hiệu hiệu quả tại thị trường quốc tế.
Giải pháp về huy động nguồn vốn và phân bổ vốn đầu tư
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, ODA góp đối ứng vào các dự án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không trọng điểm, liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và huy động nguồn vốn hợp pháp, đặc biệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, liên kết trong việc đầu tư ngoài ngành để triển khai đầu tư.
Sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có CHK, SB mới là một hình thức huy động vốn rất hiệu quả với tinh thần địa phương và ngành hàng không cùng đầu tư phát triển CHK, SB.
Theo Vusta