Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết: Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tồn tại những điểm hạn chế, trong đó có tình trạng thiếu lao động trình độ cao cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành. Đây là yếu tố then chốt có tính quyết định tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Trước thực trạng phát triển của đội ngũ trí thức và yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Hội thảo được tổ chức để lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học góp phần giúp cơ quan xây dựng chiến lược tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện dự thảo chiến lược.
Góp ý cho dự thảo chiến lược, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA kiến nghị, ban soạn thảo cần quan tâm nghiên cứu phương án phân loại trí thức theo 3 khu vực: Trí thức trong khu vực Nhà nước, trí thức trong khu vực thị trường (trong doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp) và trí thức trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp và ngoài xã hội.
|
Toàn cảnh hội thảo
|
TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó chủ tịch VUSTA cho rằng, có 3 yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn nhiều bất cập. Người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính với mức thu nhập thấp. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những lý do đó khiến nhà khoa học phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lễ ký kết giữa GFS và VUSTA:
Thiên Tuấn