Hút thuốc lá suốt mấy chục năm nay, tôi nhận thức rất rõ về tác hại của thuốc lá, đã rất nhiều lần muốn bỏ nhưng rồi không bỏ được - do thiếu ý chí, nghị lực. Tuy nhiên, tôi luôn tôn trọng các quy định cấm hút thuốc trong công sở, trường học, cơ sở y tế…
Giờ đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có thêm đề xuất cấm hút thuốc lá trong các lễ hội, đám tang, lễ cưới… trong văn bản “Tăng cường thực thi luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31.5” gửi các địa phương, bộ ngành, đoàn thể… tôi sẽ chấp hành và ủng hộ.
“Lệnh cấm” này nếu được ban hành và thực thi thì ít nhất cũng có lợi cho tôi – hạn chế được lượng độc tố đưa vào cơ thể. Nhìn rộng ra, vì sức khỏe cộng đồng, rất nên cấm thuốc lá. Tôi xin hoan hô Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến!
Cấm triệt để, mọi lúc mọi nơi, e rằng khó, nhưng cấm “có khoanh vùng” như Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị thì tương đối khả thi, dù vẫn còn đôi điều cần bàn. Theo như tôi thấy, hiện nay tuyệt đại đa số các công sở đều có treo bảng cấm hút thuốc, rất có tác dụng răn đe. Dĩ nhiên cũng có người lén lút vi phạm, nhưng như thế là thiếu tự trọng. Là công chức mà không thực hiện quy định của cơ quan thì rất xứng đáng bị kỷ luật.
Tuy nhiên, trong đề nghị của Bộ trưởng Y tế, tôi vẫn còn băn khoăn về việc thực thi “cấm hút thuốc lá trong đám tang, đám cưới, lễ hội”.
Hiện nay, tại các đô thị, dù lớn hay nhỏ, trong các nhà hàng tiệc cưới, việc treo bảng có biểu tượng hoặc lời văn với nội dung “cấm hút thuốc” đã trở nên phổ biến, và việc thực hiện cũng tương đối tốt. Nhưng đám tang, thường được tổ chức tại tư gia, thì cấm hút thuốc lá cách nào đây? Treo hay không treo bảng cấm thuốc lá là quyền của gia chủ, ai có thể bắt buộc?
Hơn nữa, trong đám tang mà có một cái biển cấm nào đó thì trông cũng rất phản cảm, khó chấp nhận. Rồi lễ hội nữa? Cứ cho là biển cấm thuốc lá treo khắp nơi đi, nhưng trong lễ hội, người đông đúc như thế, liệu mấy ai để ý đến biển cấm, dẫu có nhìn thấy biển cấm thì cũng không phải ai cũng tuân thủ. Và rồi hễ có một người hút thuốc thì ắt có người khác hút theo – tâm lý đám đông mà!
Còn đám cưới ở nông thôn thì sao? Ở rất nhiều vùng quê, đám cưới thường được tổ chức trong sân, vườn (có che rạp hoặc không), nhân viên y tế, cán bộ chính quyền… làm sao có thể can thiệp bằng lệnh cấm thuốc lá? Như vậy, việc cấm tuyệt đối thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội… xem ra vô cùng khó thực hiện.
Theo tôi, chúng ta chỉ có thể hạn chế việc hút thuốc lá trong những sự kiện đó bằng cách tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, từ trước đến nay đã có hàng trăm cuộc vận động bỏ thuốc nhưng chưa bao giờ phát huy tác dụng tuyệt đối. Đó là chưa kể những cuộc vận động chỉ mang tính hình thức, theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Các lệnh cấm thì không được thực thi kèm những biện pháp chế tài thật nặng (giống như bên Singapore chẳng hạn), vì thế người dân vẫn hút thuốc tràn lan, mọi nơi, mọi lúc.
Bàn đến chuyện chống thuốc lá, tôi bỗng liên hệ đến cuộc chiến giữa người và chuột, vốn tồn tại và tiếp diễn từ nghìn đời nay (thành thực xin lỗi về sự so sánh có phần khập khiễng này). Loài chuột độc hại, dẫu ta có dùng vũ khí sinh học, hóa học, thậm chí đại bác hay bom nguyên tử cũng không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. Nhưng chúng ta phải chiến đấu với chúng, không để chúng nắm thế thượng phong. Cuộc chiến chống thuốc lá cũng vậy. Dẫu biết rằng chiến thắng tuyệt đối thói quen hút thuốc lá độc hại trên bình diện toàn cầu (thậm chí chỉ toàn quốc) là không tưởng, nhưng chúng ta phải chiến đấu để hạn chế tác hại của nó đến cộng đồng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ấy rất cần hoạch định những chiến lược, chiến thuật khả thi chứ không phải những biện pháp duy ý chí.
Theo Phạm Bá Thủy/Một thế giới