Quần bò Trung Quốc thực sự gây bệnh chết người?

Google News

(Kiến Thức) - Dù thông tin quần bò TQ bị thổi phồng gây bệnh nguy hiểm chết người được xác nhận là do lỗi dịch thuật, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn hoang mang...

Vài ngày gần đây, dư luận ầm ĩ trước thông tin quần jean (quần bò) Trung Quốc là "sát thủ" người tiêu dùng. Nguyên do bắt nguồn từ việc ít nhất 5 nhà máy ở miền Nam Trung Quốc sử dụng công nghệ phun cát để mài quần bò và công nghệ này này lại có liên quan đến một loại bệnh nguy hiểm chết người mang tên silicosis, hay còn gọi bệnh bụi phổi.

 

 Những công nhân mài quần bò bằng công nghệ phun cát là đối tượng dễ mắc bệnh bụi phổi 


Để rõ thực hư đồn thổi này, Kiến Thức đã tìm hiểu sự thật bởi phần lớn dân Việt Nam "xài" quần bò có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Công nghệ phun cát độc chết người

Trả lời Kiến Thức về bệnh bụi phổi (silicosis), bác sĩ Hoàng Thị Qúy (Hội Lao và Phổi Việt Nam) cho biết, đây là loại bệnh nghề nghiệp nguy hiểm, nhiều trường hợp bị bệnh được phát hiện là do môi trường làm việc gây ra. "Bệnh bụi phổi Silic là tình trạng bệnh lý ở phổi do hít phải dioxit silic (SiO2) hoặc silic tự do, dạng tinh thể. Dần dần tại phổi hình thành các hạt xơ, tổn thương ở mô kẽ, gây nên xơ hoá lan toả ở phổi và không hồi phục", bác sĩ Hoàng Thị Quý cho biết.

 

  Phim chụp phổi một người bị mắc bệnh bụi phổi.


"Bệnh nhân vào viện khi đã bị biến chứng của bệnh silicosis (tràn khí màng phổi, ho ra máu, suy hô hấp,.) rất nguy hiểm. Đáng nói là hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị căn bệnh nguy hiểm này", bác sĩ Quý nhấn mạnh.


TS Phạm Tiến Dũng, Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động TP.HCM, cũng cho hay: Người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như: bệnh lao, viêm phổi; giãn phế quản, viêm phế quản, viêm mủ màng phổi; tràn khí màng phổi, khí thủng phổi, hoại tử vô khuẩn; tim giãn nở, tim đập nhanh, suy tim, tổn thương mạch vành...

Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội): Việc những cơ sở vẫn sử dụng công nghệ phun cát để mài quần bò rất có hại cho những công nhân đứng máy mài quần bò. 

Người làm quần bò hay người tiêu dùng dễ mắc bệnh?

Thông tin quần bò Trung Quốc bị thổi phồng gây bệnh nguy hiểm chết người được xác nhận do lỗi dịch thuật, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn hoang mang rằng, có hay không nguy cơ mắc bệnh bụi phổi nếu mặc quần bò mài bằng cát?

Theo nguyên bản bài báo có tên "Chiếc quần jean đau khổ của bạn có thể chứa đựng bí mật bẩn thỉu (Your Distressed Jeans May Be Harboring A Dirty Secret) đăng trên tờ Huffington Post, hiện vẫn có một số nhà cung cấp các sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng vẫn sử dụng công nghệ phun cát, nhưng sau quá trình nghiên cứu và phát hiện phun cát rất độc hại với sức khỏe người lao động, một số nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động ở phương Tây đã kêu gọi cấm vải bò mài khỏi các cửa hàng.

Bác sĩ Quý cho biết: Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán bị chứng bệnh silicosis đều làm những công việc trong môi trường có lượng bụi cao như làm vỏ xe, xay nghiền đá, thủy tinh... Nhiều loại bụi như khoáng chất (than, đất sét, nhôm, sắt, baryt), bụi động vật hoặc thực vật (len, bông, vải, gỗ) hay gặp và điển hình nhất vẫn là nhiễm bụi silic gây ra căn bệnh bụi phổi chết người này.

Cũng theo bác sĩ Quý, các tinh thể bụi, bụi silic có kích thước nhỏ được hấp thụ vào phổi, bị các đại thực bào phế nang và mô kẽ nuốt, một số đại thực bào chết sẽ giải phóng ra các chất sinh xơ, gây tổn thương phổi vĩnh viễn. Chức năng đại thực bào bị rối loạn làm phổi đã bị bệnh bụi silic, lại dễ có nguy cơ mắc thêm các bệnh khác như viêm phổi, lao, nấm.

Tương tự, TS. Dũng khẳng định: Có hai nhóm đối tượng có khả năng mắc bệnh bụi phổi: nhóm đối tượng làm việc trong các nhà máy sản xuất về xây dựng đặc biệt, như ở các mỏ đá và nhóm thường xuyên đi lại trên các tuyến đường giao thông.

Như vậy, người tiêu dùng có thể an tâm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi khi quần đã làm thành phẩm thì người sử dụng sẽ không có nguy cơ hít phải silic nữa do nhà sản xuất đã làm sạch. Tuy nhiên, nếu có thì cũng không nhiều đến mức mắc bệnh bụi phổi.

Quần áo Trung Quốc oan lắm!

Được minh oan công nghệ phun cát không gây bệnh cho người tiêu dùng, mà chỉ những lao động trực tiếp sản xuất, nhưng thực tế lại cho thấy, nhiều lần lực lượng chức năng đã bắt giữ và phát hiện quần áo, quần bò có xuất xứ từ Trung Quốc có chất độc, nguy cơ gây bệnh nguy hiểm. 

Cụ thể, tháng 2/2013 vừa qua, Trung Quốc đã phải ra lệnh cấm lưu thông loại thuốc nhuộm đồng phục học sinh, sau khi kiểm nghiệm và kết luận, hầu hết đồng phục không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có chứa độc tố - các chất nhuộm aromatic amin bị cấm sử dụng vì có thể gây ung thư.

Tháng 11/2012, liên tiếp sau đó nhiều chất cùng những viên nhỏ màu trắng được cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện trong những chiếc áo ngực có xuất xứ Trung Quốc bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam. Dư luận lại càng hoang mang hơn khi chất lạ có trong áo ngực Trung Quốc nguy cơ gây ung thư, rối loạn nội tiết. 

Vào ngày 9/7/2009, Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã phát hiện 1 mẫu quần Jean TQ có hàm lượng formaldehyde lên đến 333mg/kg (vượt quá mức cho phép), có thể gây ho và dị ứng da, đau rát cho mắt, mũi và họng cho người. Trước đó, năm 2004, WHO đã xếp formaldehyde vào nhóm 1 các chất gây ung thư (carciogenic), có thể gây ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.

Cũng trong tháng 9/2009 quần áo trẻ em và các sản phẩm may mặc Trung Quốc liên tiếp bị phát hiện có chứa chất gây ung thư. Thống kê của cơ quan chức năng thì thời điểm này thì có tới 47% sản phẩm may mặc của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chứa hàm lượng phóc - môn, một tác nhân gây ung thư trong khiến nhiều người, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ và người dân Việt vô cùng lo lắng. 

Các loại quần áo Trung Quốc có chất độc, kém chất lượng không chỉ bị phát hiện ở Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng tẩy chay ngầm. Đơn cử như nước Úc, sau khi phát hiện ra sản phẩm từ len của Trung Quốc có tẩm hóa chất chống nhăn có thể gây ung thư cho người sử dụng, thì sự cảnh giác cao độ hơn đối với hàng hóa Trung Quốc ở nước này cũng ngày càng ra tăng.

Thu Nguyên