“Mặc quần bò TQ nhiễm bệnh nan y“: lỗi dịch sai hay bịa đặt?

Google News

Từ một bài báo nước ngoài, báo Việt đầu tiên đăng bài dịch sai sau đó một số báo khác không kiểm chứng, "thổi phồng" lên khiến quần bò Trung Quốc trở thành "sát thủ" người tiêu dùng.

Từ hai ngày hôm nay, dư luận xôn xao trước thông tin mặc quần bò Trung Quốc có thể mắc bệnh chết người. Rất đơn giản vì phần lớn quần bò đang bán trên thị trường phổ thông hiện nay là hàng Trung Quốc.

Theo bài báo biên dịch từ nguồn nước ngoài đăng trên mục "Mở tầm nhìn" của một trang báo điện tử có uy tín ngày 13/7 vừa qua, "có ít nhất 5 nhà máy ở miền Nam Trung Quốc sử dụng công nghệ phun cát để mài quần jean (quần bò). Công nghệ này có liên quan đến một loại bệnh nguy hiểm chết người mang tên silicosis".

Bài báo cho biết công nghệ này "đã bị cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới". Nó "có liên quan đến một căn bệnh phổi nan y trong trường hợp sử dụng quá nhiều quần jean".
 Bài viết gốc trên Huffington Post và bài dịch sai được lan truyền trên các báo.

Ngay sau đó, bài báo này được các báo điện tử lớn, nhỏ khác đăng lại, nhưng không dừng ở việc đăng nguyên văn bản dịch đó mà còn "phóng tác" thêm một đoạn: "Nhiều nhà máy ở miền Nam Trung Quốc đã sử dụng công nghệ phun cát để mài quần jeans (quần bò). Công nghệ này có liên quan đến một loại bệnh nguy hiểm chết người mang tên silicosis hay còn gọi bệnh bụi phổi. Theo đó, khi những chiếc quần bò được mài bằng công nghệ phun cát, những hạt cát sẽ dính và lưu lại trong quần. Người sử dụng nếu hít phải những chất khoáng nhiễm độc trong cát sẽ có khả năng mắc bệnh bụi phổi".

Bài viết có phần "phóng tác" nói trên lại tiếp tục được các báo mạng khác đăng lại, khiến cho dư luận hoang mang lo sợ.

Tuy nhiên, chỉ cần suy ngẫm một chút là có thể thấy sự vô lý trong các bản tin nói trên. Nếu việc mài quần bò bằng công nghệ phun cát có hại thì nó sẽ có hại cho người công nhân mài quần bò chứ không phải người mặc, bởi từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu dùng, chiếc quần bò chắc chắn đã qua nhiều khâu xử lý và chẳng còn hạt cát nào bám vào quần nên người mặc không thể bị hít phải bụi cát, thậm chí nếu còn cát đi nữa thì cũng không nhiều đến mức mắc bệnh bụi phổi. Mặc dù công nghệ mài quần bò bằng cát mà có hại cho người công nhân cũng rất đáng lên án và cần phải bị loại bỏ, nhưng đó là một vấn đề khác.

Chúng ta đều biết rằng ngay cả các loại bệnh nghề nghiệp mà người lao động mắc phải cũng chỉ xảy ra nếu người lao động gặp tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Theo thông tin trên trang web của Trung tâm Sức khỏe Nghề nghiệp, bệnh bụi phổi chỉ được chẩn đoán có bệnh nếu:

- Người lao động được xét chẩn đoán phải là người có tiếp xúc bắt buộc với bụi có nồng độ, số lượng và kích thước hạt, hàm lượng silic tự do vượt quá giới hạn cho phép.

- Phải có thời gian tiếp xúc với bụi ít nhất 5 năm, cá biệt dưới 5 năm (phải được hội chẩn giữa các thầy thuốc chuyên khoa). Hình ảnh tổn thương trên X - quang, có hạt xilicô (theo bảng phân loại quốc tế chia ra các thể p, q, r,… xác định theo phim và cần đối chiếu với phim mẫu quốc tế của ILO).

- Một số dấu hiệu khác như khó thở khi gắng sức, đau tức ngực, hội chứng tắc nghẽn phổi và hội chứng hạn chế.

Nhận thấy đây là một vấn đề cần làm rõ dưới góc độ công nghệ và ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, phóng viên VnReview tìm hiểu vấn đề. Và một thắc mắc từ bài báo gốc (bài dịch có ghi nguồn dịch Huffington Post) nói trên nổi lên là: Hầu hết các việc làm mòn một cái gì đó người ta thường dùng cát, có thể do nó có độ ma sát lớn. Trong dân gian, cát thường dùng để đánh, cọ đồ gia dụng bằng nhôm cho mịn, sáng hơn. Giấy nhám thường để đánh các bề mặt gỗ, kim loại cũng có một lớp cát ở bề mặt.

Như vậy, chúng ta cần làm rõ: có hay không nguy cơ mắc bệnh bụi phổi nếu mặc quần bò mài bằng cát, liệu phán đoán rằng nó có hại cho sức khỏe người công nhân mài quần bò chứ không phải người mặc như phân tích của VnReview ở trên có chính xác không?

Chỉ cần một cú click chuột với từ khóa "sandblasting jeans" + Huffington Post (nguồn báo đầu tiên dịch lại), chúng tôi đã tìm thấy ngay bản gốc tiếng Anh và phát hiện: bản dịch sang tiếng Việt có vấn đề.

Lỗi dịch thuật và "copy+paste" thiếu kiểm chứng

Bài viết đăng trên Huffington Post có tựa đề "Your Distressed Jeans May Be Harboring A Dirty Secret" (tạm dịch: Chiếc quần jean đau khổ của bạn có lẽ chứa đựng một bí mật bẩn thỉu), là bài lấy lại từ nguồn trang Quartz (Mỹ) – thuộc Atlantic Media Co. - nhà xuất bản của các báo như The Atlantic, National Journal và Government Executive.
 Một công nhân phun cát quần bò ở nhà máy ở Quảng Châu. Ảnh: Quartz.

Bài báo của Quartz không hề đề cập đến việc mặc quần bò có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngay từ đầu, bài báo đã "chốt": "Những chiếc quần jean đau khổ đang gây ra đau khổ thực sự trong ngành may mặc".

Đau khổ đó là: hiện, theo báo cáo của một nhóm các tổ chức bảo vệ quyền người lao động, ít nhất 5 nhà máy ở Nam Trung Quốc vẫn đang sử dụng phương pháp phun cát để sản xuất quần bò dù phương pháp này đã bị cấm rộng rãi vì liên quan đến bệnh phổi không thể điều trị.

Bài báo cho biết kết quả báo cáo cho thấy một số nhà máy đang sử dụng cách làm độc hại này vẫn là nhà cung cấp của một số nhãn hiệu quần áo nổi tiếng phương Tây như Levi's. Có nhà máy đã yêu cầu công nhân giấu các máy phun cát khi có đoàn kiểm tra đến. Còn hãng thời trang H&M xác nhận họ có làm việc với một nhà máy bị cho là đang sử dụng phun cát nhưng không đặt hàng quần bò phun cát.

Tìm hiểu thêm, VnReview được biết mục tiêu của việc cấm quần bò phun cát là để bảo vệ sức khỏe của công nhân trong các nhà máy. Những người làm công việc phun cát phải thở trong môi trường ô nhiễm bụi silica đậm đặc có thể gây ra bệnh ung thư phổi không thuốc nào chữa được gọi là silicosis.

Sau quá trình nghiên cứu và phát hiện phun cát "cực kỳ nguy hiểm" với người lao động, một số nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động ở phương Tây đã kêu gọi cấm vải bò mài (sandblasted denim) khỏi các cửa hàng.

Và lý do tại sao bài báo Huffington Post sử dụng từ "những chiếc quần jean đau khổ" (distressed blue jeans) chính là để nói đến những chiếc quần jean đã bị mài cho sờn, rách, tả tơi để tạo mốt, chứ không phải là chiếc quần bò có thể gây bệnh nan y cho người mặc.

Như vậy, rõ ràng là người dịch đầu tiên đã hiểu sai và dịch sai nghĩa một chút trong bài báo về báo cáo liên quan đến điều kiện lao động ngành may mặc; sau đó được lan truyền tới các báo mạng khác mà không được kiểm chứng đã biến chiếc quần bò Trung Quốc thành "tội đồ" và khiến người tiêu dùng hoang mang. Đáng nói hơn, việc tự ý thêm vào đoạn "phóng tác" như đã nói ở trên cho thấy sự liều lĩnh và coi thường người đọc của một số báo mạng hiện nay.

Mặc dù công nghệ có hại cho người công nhân là không ổn và phải bị thay thế, nhưng nếu nói làm hại cho sức khỏe người tiêu dùng trong khi chưa có kiểm chứng, gây hoang mang, lo âu cho người tiêu dùng lại là chuyện hoàn toàn khác.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Theo Vnreview