Tháng 3/2012, Algeria và Công ty thương mại Công nghiệp tàu thuỷ Trung Quốc (CSTC) ký hợp đồng đóng 3 tàu hộ vệ C28A. Từ năm 2013, nhà máy đóng tàu Hudong Thượng Hải thuộc CSTC đã triển khai đóng tàu chiến này cho Hải quân Algeria. Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho Algeria sau 38 tháng sau khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, mô hình kiểu dáng tàu hộ vệ C28A thì mãi tới cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế châu Á lần thứ 14 đang tổ chức tại Kuala Lumpur (DSA 2014) mới lộ diện.
|
Mô hình tàu hộ vệ cỡ lớn C28A.
|
Theo thông tin ban đầu, C28A có lượng giãn nước khoảng 2.880 tấn, dài 120 m, sử dụng động cơ diezel MTU của Đức.
Từ góc độ mô hình tàu hộ vệ hạng nhẹ C28A tại triển lãm quốc phòng Malaysia cho thấy, vũ khí trang bị của tàu này gồm: 8 quả tên lửa chống hạm C-802; một bệ phóng 8 ống hệ thống tên lửa phòng không tầm gần FM-90N (HHQ-7); một pháo hạm thông dụng cỡ 76mm H/PJ-26; 2 bệ pháo phòng không cao tốc Type 730 7 nòng cỡ 30mm; 2 bệ phóng ngư lôi 3 nòng 324mm. Ngoài ra còn có thể có nhà chứa máy bay đảm bảo một chiếc trực thăng Super Lynx do hãng AgustaWestland chế tạo.
Riêng về hệ thống điện tử thì C28A kết hợp sử dụng thiết bị của cả Trung Quốc và phương Tây gồm: radar cảnh giới đường không SMART-S Mk2 có thể phát hiện máy bay tàng hình, radar định vị RM-1290, hệ thống thông tin liên lạc đều do hãng Thales Hà Lan cung cấp; còn radar điều khiển hỏa lực và hệ thống chỉ huy tác chiến tự động hoá do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, tại DSA 2014, Trung Quốc cũng lần đầu giới thiệu mô hình tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn (LPD) dự định xuất khẩu cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
Theo thông tin ban đầu, lớp tàu đổ bộ này có lượng giãn nước khoảng 22.000 tấn, có sân đáp lớn và nhà chứa ở đuôi máy bay cho phép chở 2 trực thăng kiểu S-70 và một trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook. Tàu có khả năng chở tối đa 360 lính cùng thủy thủ đoàn 130 người, dự trữ hành trình 45 ngày.
Bằng Hữu