Hệ thống này được Trung Quốc giới thiệu vào năm 2012, là biến thể cải tiến của hệ thống pháo phản lực huyền thoại BM-21 Grad 122mm của Nga. BM-21 lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960 và vẫn được nhiều quốc gia sử dụng cho đến ngày nay.
Pháo phản lực cải tiến PR50 mới của Trung Quốc sử dụng đạn rocket cỡ 122mm có trọng lượng 74 kg, dài 2,9m và mang theo đầu đạn nặng 21,5kg. Phạm vi tấn công tối thiểu là 20 km, trong khi phạm vi tấn công tối đa là 40 km với điều kiện mang theo các đầu đạn có trọng lượng nhẹ hơn.
Xe pháo phản lực PR-50 gắn 2 bệ phóng mang theo 40 đạn rocket. Trên xe phóng có trang bị một cần cẩu để nạp đạn mà không cần xe nạp chuyên dụng và cả phần bạt che bao trùm cả phần sau xe giúp chống lại các điều kiện thời tiết khi đang tác chiến.
|
Pháo phản lực phóng loạt PR50 của Trung Quốc.
|
Dự kiến, các hệ thống PR50 sẽ thay thế cho thế hệ pháo phản lực BM-21 Grad (hoặc là các mẫu sao chép nguyên gốc) cũ đang được sử dụng trong Quân đội Trung Quốc.
Pháo phản lực BM-21 Grad huyền thoại được giới thiệu lần đầu năm 1962, thay thế cho pháo phản lực BM-13 Kachiusa dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
BM-21 Grad trang bị bệ phóng 40 nòng với đạn rocket nặng 68,2 kg, dài 2,9m và mang theo các đầu đạn nặng 20,5 kg, tầm bắn 20km.
Với đạn rocket không có hệ thống dẫn đường, nó chỉ có hiệu quả đối với tác chiến cần hỗ trợ hỏa lực trên diện rộng và với các mục tiêu lớn như các thành phố hay các căn cứ quân sự. Hiện nay có một số phiên bản nâng cấp BM-21 của Ai Cập và Trung Quốc với đạn rocket cải tiến giúp tăng tầm lên 40km.
Trà Khánh