Pháo phản lực là các giàn phóng đạn rocket không điều khiển, mang lượng nổ lớn, đặt trên ray phóng hay trong ống phóng. Chúng thường được đặt trên các xe tải bánh lốp hoặc xe bọc thép tạo thành pháo phản lực tự hành.
Khác với những loại pháo khác, phảo phản lực có ưu điểm khai hỏa rất nhanh, nhưng thời gian tái nạp đạn để bắn loạt thứ hai lại rất lâu. Chính vì vậy, các giàn phóng thường bao gồm hàng chục ống phóng ghép lại. Điều đó cho phép các khẩu đội pháo trút hàng chục quả đạn rocket xuống mục tiêu trong thời gian rất ngắn, sau đó nhanh chóng rút lui để tránh phản kích.
|
Pháo phản lực phóng loạt huyền thoại BM-13 Katyusha.
|
Đại diện nổi tiếng nhất của các pháo phản lực tự hành chính là thiết kế BM-13 của Liên Xô, hay còn được biết đến với cái tên Katyusha huyền thoại. Hệ thống gồm một xe tải gắn các ray phóng, bắn các đạn rocket M-13 cỡ 132mm, tầm bắn 5,4km. Sau này, còn có các đạn rocket hạng nhẹ M-8 cỡ 82mm và M-31 cỡ 300mm.
BM-13 ra đời đã xác lập lối đánh truyền thống suốt hàng chục năm sau của các pháo phản lực nói chung và pháo phản lực tự hành nói riêng. Đó là trinh sát kĩ càng, bắn cấp tập, hủy diệt diện tích rộng rồi nhanh chóng rút lui, tránh phản pháo. Chỉ trong vòng chưa đến 10 giây, pháo phản lực BM-13 trút hơn 4 tấn thuốc nổ mạnh xuống diện tích khoảng 4 héc ta với uy lực hủy diệt khủng khiếp. Điều đó đã khiến cho phát xít Đức thất điên bát đảo, liên tiếp bại trận. Các chiến sĩ Hồng quân yêu mến gọi pháo phản lực là Katyusha, và cái tên huyền thoại ấy thường được dùng để gọi chung tất cả các giàn pháo phản lực khác.
Một điều chúng ta thường nhầm lẫn, đó là các pháo phản lực có độ chính xác thấp hơn pháo thông thường. Đây là một nhận định sai lầm, bởi pháo phản lực được thiết kế để tận dụng ưu điểm loạt bắn nhanh, cấp tập, bắn diện tích, giống như các lựu pháo tầm xa. Vùng sát thương của các loạt bắn pháo phản lực được các tổng công trình sư Nga mặc định là một hình e líp dài khoảng 150m, tương đương chiều sâu của một tuyến chiến đấu, trận địa phòng ngự … của đối phương. Khi bắn, mức độ sát thương tập trung dần vào giữa vùng. Ở đây, có những khu vực tập trung đến 25% số đạn rocket đánh vào, trong khi ở những vùng rìa chỉ khoảng 2%.
Như vậy, khác với các pháo truyền thống có thể thay đổi độ tản mát của đạn, pháo phản lực cố định độ tản mát cho nhiệm vụ giống như lựu pháo tầm xa, nhằm tận dụng ưu thế bắn nhanh và cấp tập, hủy diệt lớn của loại pháo này. Dĩ nhiên, cách bắn này chủ yếu dùng để chế áp bộ binh và các công sự kém kiên cố.
|
Các chiến sĩ hồng quân lắp đạn rocket lên bệ phóng pháo phản lực BM-13.
|
Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chiến thuật điển hình của Hồng quân Liên Xô là sử dụng pháo phản lực BM-13 bắn trùm lên một diện tích rộng, cùng với các loại pháo khác trút hàng vạn quả đạn lên mỗi km chính diện phòng ngự địch. Sau đó, bộ binh và xe tăng sẽ xung phong, giải quyết trận đánh. Chiến thuật này đã chứng minh được hiệu quả của mình, khiến quân phát xít Đức phải “kinh hồn bạt vía”.
Thấy được uy lực, sức hủy diệt khủng khiếp của pháo phản lực, người Đức cũng nỗ lực sao chép mẫu thiết kế BM-8 của Liên Xô. Những giàn phóng đạn được đặt trên xe bán xích, tạo thành pháo phản lực tự hành Raketen Vielfachwerfer. Nhưng những người lính Hồng quân Liên Xô khá xem thường chúng, và họ chơi chữ, gọi đó là “Vanyusha” ám chỉ rằng đây là một “anh chàng bé bỏng” – bản sao kém cỏi của Katyusha huyền thoại. Người Mĩ cũng có mẫu pháo phản lực tự hành T34 Calliope, song ít được sử dụng.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên Xô tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các pháo phản lực tự hành như BM-24 (12 ống phóng, 240mm), BMD-20 (4 ống phóng, 200mm), BM-14-16 (16 ống phóng, 140mm)… Và đặc biệt nhất, phải kể đến pháo phản lực BM-21 Grad, một huyền thoại của pháo binh, bậc thầy của pháo phản lực.
|
Pháo phản lực BM-21 Grad khai hỏa.
|
Xuất hiện năm 1964, BM-21 là nỗi kinh hoàng của bất cứ mục tiêu nào mà nó tấn công. Với 40 ống phóng rocket 122mm mỗi xe, một tiểu đoàn BM-21 có thể trút đến 720 quả đạn xuống mục tiêu chỉ trong 20 giây, hủy diệt một vùng rộng lớn cách xa 20-40km. Những phương án thiết kế của BM-21 vẫn là mẫu mực, ưu việt nhất trong các pháo phản lực về hiệu quả hỏa lực cũng như kinh tế. Không chỉ bắn phá trận địa đối phương, BM-21 còn có thể dùng để rải mìn từ xa, một công việc tốn nhiều thời gian và nhân lực. Việc sử dụng BM-21 để rải mìn rất nhanh chóng, cho phép triển khai chặn bước tiến của địch, hay cắt đường rút lui của chúng.
Sau sự thành công của BM-21 Grad, Liên Xô sau này ghi dấu ấn với thiết kế BM-30 Smerch của Nga – đây được xem là bước nhảy vọt mang tính cách mạng trong pháo phản lực tự hành. BM-30 Smerch thiết kế với 12 ống phóng cỡ 300mm có thể bắn các loại đạn rocket chứa thuốc nổ tới 200-300kg, tầm bắn xa 90km. Đặc biệt , BM-30 có thể bắn các đạn mẹ - con 9M55K1 tự săn tìm mục tiêu, tiêu diệt xe tăng – thiết giáp của địch ở cự li không tưởng 70-90km.
|
"Vua chiến trường" BM-30 Smerch khai hỏa.
|
Thay cho những loại pháo phản lực chỉ có thể bắn diện tích, BM-30 lại có độ chính xác cao. Điểm ưu việt của BM-30 so với các pháo phản lực trước đó, đó là tính tự động hóa cao, triển khai chiến đấu nhanh. Có thể nói, BM-30 là sự kết hợp hoàn hảo giữa các pháo phản lực thông thường với tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn. Đây sẽ là hướng phát triển đầy tiềm năng của pháo phản lực tự hành trong tương lai.
Sự phát triển của pháo phản lực Liên Xô (Nga) cũng tạo ảnh hưởng ít nhiều đến quốc gia có truyền thống dùng vũ khí Liên Xô như Trung Quốc, Triều Tiên. Với Trung Quốc, dựa trên cơ sở tham khảo BM-21 Grad hay BM-30 Smerch nước này tự tạo cho mình hàng loạt thiết kế pháo phản lực như Type-82, Type-89, WM-80, WS-1, A-100…
Đối với các nước Mỹ và phương Tây lại không chú trọng quá nhiều tới việc phát triển pháo phản lực phóng loạt. Người Mỹ chỉ có một loại pháo phản lực được dùng rộng rãi nhất là M270 MLRS do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất trang bị cho lục quân.
|
Pháo phản lực phóng loạt mạnh nhất nước Mỹ M270.
|
Thay vì sử dụng ống phóng cố định, M270 có thiết kế kiểu module, đạn rocket được chứa trong container có thể tháo lắp. Nhờ vậy, công việc bảo quản trở nên đơn giản, thời hạn sử dụng của đạn kéo dài tới 10 năm, tiết kiệm thời gian khi nạp và tái nạp (5-10 phút), trong khi BM-30 mất khoảng 30 phút.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 đặt trên khung thân xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Mỗi xe phóng mang được 2 container, mỗi container chứa 6 quả đạn rocket cỡ 240mm. Một xe M270 khai hỏa sẽ phóng 8.000 đầu đạn (nhỏ) trong 60 giây với tầm bắn khoảng 32km.
M270 có thể bắn khá nhiều loại đạn, trong đó có đạn rocket M26 lắp đầu đạn phụ 644 M77. Loại đầu đạn này được kích nổ ở trên không làm bung ra các đầu đạn nhỏ, trùm lên khu vực lớn với sức sát thương khủng khiếp. Nó thường sử dụng để chống thiết giáp hoặc bộ binh đối phương.
Nếu sử dụng đạn tăng tầm M26A1/A2, M270 có thể bắn tới cự ly 45km, tuy nhiên, khoảng cách này vẫn thua tầm bắn của BM-30 của Nga.
Bù lại, M270 có thể được dùng làm “bệ phóng” tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-40. Đây là điểm mà dòng pháo phản lực Nga không có. MGM-140 có tầm bắn 150km, thậm chí 300km nếu sử dụng đạn có điều khiển tân tiến hơn.
Lương Minh