Các cụ cao niên ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa kể: Cây mía Kim Tân có từ thời vua Quang Trung tiêu diệt quân Mãn Thanh. Đến thời nhà Nguyễn, hằng năm địa phương cắt cử người mang mía vào triều đình tiến vua. Ngày nay, cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Truyền thuyết mía tiến vua
Về huyện Thạch Thành, để săn mía tiến vua, chúng tôi đã đi nhiều nơi, hỏi nhiều người về cây mía Kim Tân.
Các cụ cao niên ở đây kể lại, cây mía Kim Tân (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) có từ lâu đời. Tương truyền vua Quang Trung rất thích ăn loại mía này. Mùa Xuân năm 1789, khi chiêu mộ quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến ở vùng Tam Điệp – Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vua cho quân lính về đây ăn mía Kim Tân. Đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh thành công, vua đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía tại Phố Cát (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành bây giờ).
Đến thời nhà Nguyễn, năm nào địa phương cũng cắt cử người thành lập đoàn xe ngựa bứng từng bụi mía để chở vào kinh thành Huế tiến vua.
Trước những thắc mắc của chúng tôi về tên gọi mía Kim Tân, các cụ nơi đây giải thích: Theo như lời kể các thế hệ trước, xưa kia vua Quang Trung đi đánh giặc Thanh đi qua vùng đất này và cho quân lính nghỉ ngơi ở đây. Mọi người lấy mía ra thiết đãi. Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon. Ông đã hỏi người dân vùng đất này có tên là gì mà ăn mía ngon như vậy. Dân chúng nói nơi đây có tên là Kim Tân, vì thế nhà vua lấy tên đặt cho cây mía. Nhà vua căn dặn người dân cố gắng duy trì cây mía này.
Giàu lên nhờ... mía
Ông Lương Công Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thành cho biết: Mía Kim Tân là tên gọi có từ xa xưa. Nhưng thực tại thị trấn Kim Tân không phải là vùng đất mía. Điều đó được các cụ cao niên khẳng định. Từ xưa đây chỉ là nơi giao thương, buôn bán mía của cả vùng. Hiện tại, địa phương trồng loại mía tiến vua thơm ngon đầu bảng vẫn là xã Thành Trực.
Ông Trần Bá Nam, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Thành Trực cho hay: Cây mía tím (mía Kim Tân) trồng từ bao giờ thì người dân không thể biết. Họ chỉ biết nó có từ thời vua Quang Trung đi đánh giặc qua đây, người dân lấy mía để thiết đãi. Xã có 8 thôn, nhưng chỉ có 4 thôn trồng được mía Kim Tân với tổng diện tích 185ha.
“Cây mía Kim Tân rất kén đất, nó chỉ thích hợp với đất đỏ bazan. Khi trồng trên đất này mía đen nhánh, gióng dài, cây to như bạch đàn. Đặc biệt ăn mía mềm và thơm ngon. Cũng cây mía đó, nếu trồng ở nơi khác thân sẽ nhỏ, ăn mía rất cứng. Vì thế, 4 thôn trong xã không có đất đỏ bazan nên không trồng được mía Kim Tân. Nhờ vào cây mía này, nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, vươn lên giàu có”, ông Nam cho biết.
Chúng tôi vào các thôn trong xã, đúng vào dịp người dân tất bật thu hoạch mía. Từng đoàn xe ô tô của các thương lái nối đuôi nhau về thu mua mía. Ông Nam dẫn chúng tôi vào gia đình ông Đỗ Duy Bình (đội 1, thôn Chính Thành) khi vợ chồng ông đang thu hoạch mía. Ngừng tay ít phút, ông Bình cho biết, năm nay gia đình ông trồng 5 sào mía, lượng mía cây bán ra thị trường là 6 nghìn cây. Trừ chi phí đi, vợ chồng ông thu về vài chục triệu đồng.
“Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều cây trồng khác nhau, nhưng thực sự cây mía Kim Tân này cho thu nhập cao nhất. Mấy năm trước, gia đình tôi còn trong diện nghèo, nhưng nhờ có cây mía này, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, trong nhà có của ăn của để”, ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, gia đình ông có “thương hiệu” trồng mía trong vùng nên các thương lái đến đặt mua mía vài tháng trước khi thu hoạch. Có lần các thương lái “choảng nhau” vì tranh giành mua mía.
Gia đình anh Đỗ Hữu Thắng (đội 4, thôn Chính Thành) trước đây thuộc hộ nghèo, nhưng giờ đây anh là triệu phú mía Kim Tân. “Gia đình tôi trồng cây mía này hơn 30 năm qua. Nhưng thực sự, vài năm gần đây, gia đình tôi mới phất lên nhờ cây mía này. Khi mía được giá, cộng với người tiêu dùng thích ăn cây mía này. Vì thế, mía trồng đến đâu, các thương lái đến thu mua đến đó. Gia đình tôi chăm sóc tốt, nên năm nào cũng thu hoạch mía trước cả xã. Bình thường các gia đình trồng phải một năm mới thu hoạch mía, nhưng gia đình tôi chỉ trồng 10 tháng. Năm nay, gia đình tôi được mùa, mía vừa được năng suất, giá bán cũng tốt (gần 5.000đ/cây). Với diện tích gần 9 sào, trừ chi phí, tôi thu về hơn trăm triệu đồng. Nhờ cây mía này, gia đình tôi có tiền làm nhà và cho con cái ăn học”, anh Thắng kể.
|
Mía tiến vua được bán ở thị trấn Kim Tân. |
Xây dựng thương hiệu
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm cánh đồng mía nơi đây, ông Trần Bá Nam trăn trở: Điều mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là xây dựng thương hiệu mía Kim Tân. Từ xưa “thương hiệu” mía Kim Tân chỉ được lưu truyền trong thiên hạ, chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra công nhận đây là giống mía quý. Dân trong xã cũng chỉ biết người ăn khen ngon, ai biết thì đến mua, chứ không biết làm thế nào để sản phẩm của mình nâng cao giá trị. Nếu như có thể xây dựng thương hiệu cho mía Kim Tân, để đưa loại mía này vào siêu thị, hay trong các nhà hàng khách sạn thì tốt biết bao.
|
Mía tiến vua gióng dài, to, ăn mềm, thơm ngon. |
Những điều mà ông Nam và người dân nơi đây mong mỏi đã có tín hiệu vui. Vừa qua Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã đấu mối với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về nơi đây thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và phục tráng giống mía tím Kim Tân”.
“Bước đầu nhóm nghiên cứu đã thu thập nhiều cây giống trên địa bàn và lựa chọn vài giống ưu tú nhất để trồng thử nghiệm. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã trồng thử nghiệm 1 sào mía, nếu thành công sẽ nhân rộng trên nhiều diện tích đất. Sau đó, họ sẽ đề nghị với các cơ quan chức năng công nhận thương hiệu của cây mía tím Kim Tân. Nếu thực hiện được điều này thì người dân chúng tôi vui mừng lắm. Cây mía tiến vua năm xưa sẽ không phải trôi nổi trên thị trường, nó sẽ có xuất xứ, địa chỉ rõ ràng. Người dân sẽ yên tâm sản xuất, đời sống ổn định hơn”, ông Nam cho biết thêm.
Cây mía Kim Tân là cây trồng chủ đạo giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo. Nhiều gia đình giàu có nhờ cây trồng này. Chính quyền địa phương muốn mở rộng diện tích đất trồng mía, nhưng điều đó khó thực hiện. Bởi cây mía này rất kén đất. Cũng giống mía này, khi trồng ở đất đỏ bazan mía mềm và thơm ngon. Nhưng khi trồng nơi khác mía rất cứng, gióng dầy.
Ông Trần Bá Nam (Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Thành Trực)
Đức Lợi