“Chộp” ảnh bầu Đức bỗng trở thành... nông dân

Google News

Bầu Đức đón chúng tôi tại khách sạn Hoàng Anh Attapeu (Lào) với đôi giày lấm lem bụi đỏ...


Sau bữa cơm trưa chớp nhoáng, người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng đội chiếc mũ tai bèo sùm sụp, tự tay cầm lái chiếc Land Cruiser dẫn đầu thẳng tiến Phouvong.
Chuẩn bị “đếm tiền”

Đoàn xe của đại gia đi thăm ruộng mía ở Phouvong.
Attapeu đang vào mùa khô mát của Lào, theo thường lệ thời tiết dễ chịu nhất kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm nhưng đường vào Phouvong vẫn mù mịt bụi.
Từ ngày 11 đến 14.12 tuần qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức cho gần 100 nhà báo, nhà đầu tư và đối tác đến “căn cứ địa” Attapeu của mình để mục sở thị chuyện làm ăn của bầu Đức.
Các nhà đầu tư và đối tác lớn như Jaccar, Seasecurities, Thiên Minh Group – CFO, Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty chứng khoán ACB… đều có mặt.
Đặc biệt, sau thương vụ ồn ào nhập 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Attapeu về Việt Nam, bà Huỳnh Bích Ngọc người được mệnh danh là “nữ hoàng mía đường” và các đại diện của Tập đoàn Thành Thành Công cũng tham gia chuyến đi.
Đoạn đường từ Pleiku đến Attapeu dài 243km, mất hơn 4 tiếng đồng hồ chạy xe. Tỉnh lỵ Attapeu nằm trong một thung lũng rộng dưới mực nước biển 200 mét. Qua khỏi những cánh rừng nguyên sinh, từ trên đỉnh đèo 52 nhìn xuống Attapeu giống hệt lòng chảo Điện Biên nay đang phủ một màu xanh của Hoàng Anh Attapeu.
Đó là màu xanh của cao su, cọ dầu và mía đường được đầu tư vào năm 2008 nay đang bước vào giai đoạn mà các lãnh đạo của Hoàng Anh Attapeu nói đùa là “giai đoạn bầu Đức đếm tiền”.
Sau 5 năm, đổ một khoảng tiền đầu tư khổng lồ vào nông nghiệp, bầu Đức đã biến Attapeu thành một vùng chuyên canh hiện đại quy mô nhất Đông Nam Á.
Đến thời điểm cuối năm 2013 này, hơn 2.000 ha cao su đã cho mủ, mía đường bước sang vụ thu hoạch thứ hai và cọ dầu bắt đầu ra quả. Hoàng Anh Attapeu xây dựng nhiều nhà máy chế biến ngay tại chỗ.
Suốt ngày nói chuyện làm nông
Bầu Đức không nói chuyện bóng đá nữa. Bây giờ ngồi ở đâu cũng nghe ông bầu bóng đá nói chuyện mía, cọ, cao su...  
Sau khi thử nghiệm hơn chục giống mía, cuối cùng bầu Đức chọn một giống mía của Thái Lan. Vùng nguyên liệu của cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu nằm tại huyện Phouvong hiện có 12.000 ha trồng giống mía này.
Tại ruộng mía ở Phouvong, bầu Đức nói: “Tôi không phải chuyên gia mía đường nhưng tôi đi sâu ngành này. Tiền của tôi bỏ ra tôi phải đi sâu”. Nói xong bầu Đức rút ngay chiếc máy tính ra cộng trừ nhân chia cho các nhà đầu tư thấy ngay con số lợi nhuận tương lai từ cụm công nghiệp mía đường đem lại.
Từ giống mía của một tỉnh ở Thái Lan, bầu Đức mang về Attapeu và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Với công nghệ này, mía có thể trồng ngay trong mùa khô, có trữ đường lớn.
Còn lâu mía đường Việt Nam mới theo kịp
Năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” với các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 diện tích mía đạt 300.000 ha, năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, trữ đường bình quân đạt 11 CCS. Tuy nhiên cho đến nay nhiều chỉ tiêu đó không đạt được. Năng suất mía bình quân trong vụ 2012/2013 tại Việt Nam mới chỉ đạt 64 tấn/ha trong khi năng suất bình quân của thế giới là 80-90 tấn/ha và năng suất mía bình quân của Hoàng Anh Attapeu lên đến 120 tấn/ha.

 

Năng suất thấp, hiệu suất thu hồi đường thấp nên giá thành đường của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và gấp từ 2,4 đến 2,9 lần so với đường của Hoàng Anh Attapeu sản xuất tại Lào. Đây chính là nguyên nhân VSSA “sợ” đường của Hoàng Anh Attapeu về Việt Nam.
Bầu Đức cho biết chiếc van điều áp của Israel nhìn rất đơn giản nhưng Trung Quốc, Thái Lan cũng không thể bắt chước được. Công nghệ tưới nhỏ giọt từ chiếc van điều áp này rất lợi hại là có thể tưới nước kiêm cả bón phân cho cây mía.
Tất cả ruộng mía đều được chôn đường ống gắn van điều áp nhỏ giọt dọc theo các rãnh. Ưu điểm của công nghệ này là nước được đưa vào từ đầu đường ống đến cuối đường ống đều có dung lượng bằng nhau. Trung bình lượng nước nhỏ giọt đều đặn 2 lít/ngày.
Cây mía cũng “ăn” các loại phân bón từ những chiếc van điều áp sau khi lượng phân, loại phân được lập trình và pha chế từ những hồ nước nhân tạo.
Phương pháp tưới này theo bầu Đức rất khoa học và tiết kiệm vì không thể có một hạt phân bón nào rơi vãi hoặc đi “không đúng địa chỉ”.
Cuộc nhân duyên trắc trở với “nữ hoàng mía đường”
Bà Huỳnh Bích Ngọc (đứng giữa), người đường mệnh danh là "nữ hoàng mía đường" rất quan tâm đến sản phẩm của nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu.
Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu được đầu tư 87 triệu USD bao gồm vùng nguyên liệu 12.000 ha, nhà máy chế biến đường 7.000 tấn mía/ngày, nhà máy nhiệt điện 30MW, nhà máy phân bón và nhà máy chế biến ethanol.
Tháng 2.2013 nhà máy chế biến đường đi vào hoạt động. Vụ mía đầu tiên năng suất mía tại Phouvong đạt 120 tấn/ha, gấp đôi năng suất mía của Việt Nam, hơn 1/3 năng suất mía Thái Lan.
Những sản phẩm trong vụ đường đầu tiên bầu Đức chỉ bao tiêu trong thị trường Lào. Tuy nhiên sang vụ thứ hai, bầu Đức đã bán 30.000 tấn đường thô cho Công ty Cổ phần đường Biên Hòa mục đích tinh luyện để xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cuộc nhân duyên với “nữ hoàng mía đường” Việt Nam và giấc mơ mía đường của bầu Đức lập tức bị phản ứng dữ dội từ Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA).
Câu chuyện 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Attapeu được mang vào quốc hội, chính phủ và hiện theo ông Nguyễn Văn Sự - Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết: “Cái đó đang chờ các cơ quan chức năng xem xét”.
Nhóm lợi ích của 40 nhà máy đường Việt Nam té ngửa khi đường của Hoàng Anh Attapeu có giá quá rẻ.
Bầu Đức cho biết giá thành sản phẩm tại nhà máy Hoàng Anh Attapeu chỉ 4.700 đồng/kg.
Làm sao không rẻ được khi nhà máy của Hoàng Anh Attapeu nằm ngay giữa vùng nguyên liệu làm giảm chi phí vận chuyển, năng suất mía của Hoàng Anh Attapeu thuộc loại “khủng” so với thế giới và nhất là áp dụng công nghệ hiện đại ít chi phí nhân công.
Một chiếc máy cắt mía Hoàng Anh Attapeu nhập về từ Mỹ công suất bằng 400 lao động.
Bầu Đức nói: “Một nhà máy 7.000 tấn/ ngày cần phải có 5.000 lao động. Ở một tỉnh xa xôi như Attapeu kiếm đâu ra lao động nên tôi phải đầu tư máy móc thay thế! Ngay từ đầu Hoàng Anh Attapeu cũng đã xác định con đường đầu tư nông nghiệp năng suất cao như vậy”.
Theo Một Thế Giới