Sự thật gây choáng về gà chín cựa nổi tiếng

Google News

Thịt gà chín cựa ăn cũng chỉ ngon như gà ri là cùng nhưng nhờ vào yếu tố truyền thuyết lẫn truyền thông (báo chí, trang mạng) mà nó đã trở nên nổi tiếng.

Cách đây gần chục năm, tôi là người đầu tiên viết về con gà chín cựa ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn (nằm trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) sau khi được trưởng bản đãi món ăn độc đáo này…
Gà được thả hoàn toàn tự nhiên, sáng kiếm ăn trong rừng, tối về gốc cây ven nhà để ngủ, muốn bắt đãi khách phải dùng… chài tung lên như đánh cá rồi lần trong lưới, con nào to thì cắt tiết, vặt lông, con nào nhỏ lại thả.
Su that gay choang ve ga chin cua noi tieng
Gà chín cựa Xuân Sơn. 
Dân bản ở đây quen gọi là gà chín cựa bất kể con trống hay con mái vì dựa trên đặc điểm những ngón chân thừa của chúng. Do đó có thể gọi là gà chín ngón chân cũng đúng.

Gà chín cựa ở Phú Thọ giờ đã nổi tiếng khắp cả nước. Nó là sản vật hầu như không thể thiếu cho một hành trình khám phá miền đất Tổ rồi ăn gà truyền thuyết.
Công bằng mà nói thịt gà chín cựa ăn cũng chỉ ngon như gà ri là cùng nhưng nhờ vào yếu tố truyền thuyết lẫn truyền thông (báo chí, trang mạng) mà nó đã giúp cho nhiều người nuôi gà ở huyện Tân Sơn có của ăn, của để.
Một đôi gà chín cựa trưởng thành có giá khoảng 1 triệu đồng còn ngày lễ, tết giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba nhưng cũng không hề dễ kiếm.
Người ta hồn nhiên nuôi gà chín cựa, hồn nhiên xơi gà chín cựa mà không hề biết gốc tích, bản chất gen của chúng ra sao. Chính vì thế khi biết tin về dự án bảo tồn nguồn gen gà chín cựa tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn do ông Phạm Văn Long, giám đốc làm chủ nhiệm tôi không khỏi tò mò, háo hức.
Thông tin cơ bản: Thời gian thực hiện từ năm 2012 - 2015. Mục tiêu lâu dài: Bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen của gà chín cựa tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Cung cấp giống thương mại chuẩn cho người dân sống trong và gần kề vườn tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt là khi nơi đây trở thành khu du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng (nghề nghiệp ổn định cho người dân sẽ giảm sức ép, tác động xấu vào vườn).
Mục tiêu cụ thể trong năm 2014 là theo dõi các chỉ tiêu trong nuôi chuyển vị làm cơ sở sàng lọc cá thể đưa đến dòng thuần của gà chín cựa. Xác định gen, nghiên cứu tập tính sinh thái...
Những dãy chuồng được dựng lên bên cạnh sân vườn quốc gia. Những cái đầu suốt ngày chắm chúi lo từng miếng ăn, hớp nước cho gà, quan tâm từ chuyện chúng đạp mái, nhảy ổ đến ấp nở, chăm con…
Năm 2014 đàn gà mái gần 100 con gồm hai thế hệ nơi đây đã đẻ được 2.603 quả trứng. Qua theo dõi quá trình ấp nở của gà chín cựa thế hệ 1 và thế hệ 2 thấy không có sự khác biệt nhưng tỷ lệ gà có cựa của thế hệ 2 cao hơn thế hệ 1.
Tỷ lệ gà con đạt tiêu chuẩn của năm 2014 cao hơn năm 2013 chứng tỏ giống gà đang đi dần vào ổn định, các yếu tố ngoại lai (giống khác) không còn tác động đến quá trình sinh sản. Sức sống của gà chín cựa khá tốt. Lượng gà con sống đến tuần 20 là 86% đối với thế hệ 2 (301/350 con) và 91% đối với thế hệ 1 (448/490 con).
Trên cơ sở kết quả thực hiện nghiên cứu năm 2014, cần tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu để sàng lọc bổ sung thêm các cá thể dòng thuần đồng thời đăng ký quyền bảo hộ đối với giống gà chín cựa tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Ở giai đoạn sơ sinh đến 4 tuần tuổi, màu lông gà con hơi vàng sau chuyển màu xám với vệt xám đen chạy từ đầu đến hết thân, cựa màu vàng và được phân bố giống gà bố mẹ.
Trong giai đoạn này không có sự khác biệt lớn giữa gà trống và mái nên rất khó phân biệt. Giai đoạn từ 4 tuần đến 8 tuần đã có sự khác biệt về ngoại hình giữa gà trống và mái trong đó gà trống thường có ngoại hình lớn hơn gà mái, màu lông biến đổi với gốc lông màu đen, ngọn lông và mép lông xuất hiện màu đỏ, mào nhô cao và chia các thùy rõ rệt; cựa màu vàng.
Gà mái có màu lông xám và vàng, lông bụng màu nhạt hơn, cựa cũng màu vàng. Giai đoạn từ 20 tuần đến 24 tuần sự khác biệt về ngoại hình giữa gà trống và mái càng được thể hiện rõ nét. Đó là những đặc điểm về hình thái, còn khi giải trình tự gen các cá thể gà chín cựa cho thấy chúng có mức tương đồng cao về trình tự gen Gal với gà nhà phân nhánh E.
Có thể nói chúng cùng chung phân nhánh E nhưng thuộc các nhánh dưới khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn còn có những tồn tại đang thách thức các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu tiếp như: Số lượng cá thể dòng thuần đã được xác định nhưng chưa xuất hiện cá thể gà đạt chín cựa thực sự.
Việc giải trình tự gen mới chỉ dừng lại ở khâu giải trình gen ty thể, chưa phân tích được các gen quy định các tính trạng cụ thể như cựa, màu lông.
Theo NNVN