Không cúng tổ tiên bằng gà "chín cựa"
Anh Tăng Văn Thành một người dân ở đỉnh núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn dẫn chúng tôi ra sân và sẵn tay bắt một con gà mẹ "chín cựa" lên rồi tiết lộ: "Giống gà này được cái giá thành cao, sức đề kháng tốt, nhưng mà dân bản lại không dùng loại gà này để làm lễ cúng tổ tiên".
Lý do mà anh Thành giải thích đó là việc dân bản ở đây thường dựa vào chân gà để xem bói. Gà để xem bói phải có 4 ngón chân (ba ngón trước, một ngón sau), gà trống thì xem chân trái, gà mái xem chân phải. Ví dụ như khi ba ngón chân trước của con gà xếp kín vào nhau, ngón chân sau quặp vào đốt giữa của ba ngón trước thì có nghĩa là gia đình êm ấm, ma tà ngoại đạo không xâm nhập được vào gia đình làm hại gia chủ. Nếu ba ngón chân trước mà choãi ra, ngón chân sau quặp vào giữa ba ngón còn lại thì đó là điềm xấu, kẻ xấu sẽ tìm cách làm hại gia chủ... trong khi đó ba ngón sau của gà "chín cựa" lại co quắp chỉ linh tinh loạn xạ khiến gia chủ không biết lối nào mà lần".
|
Anh Hoàng Phúc Tình cho biết: "Không được cúng tổ tiên bằng
gà "chín cựa". |
Ông Triệu Chằn Sinh ở bản Khuẩy Đeng, xã Mẫu Sơn - một gia đình nuôi gà "chín cựa" từ nhiều năm nay cũng tiết lộ: "Chúng tôi kiêng thịt gà nhiều ngón chân để cúng tổ tiên, nếu cúng tổ tiên bằng loại gà này sẽ bị ma nhà quở trách, không phù hộ cho đàn gà đẻ nhiều. Cách đây gần 10 năm, nhà tôi có một đàn gà đến 70 con, một hôm tôi vắng nhà, đứa con trai cả thịt gà nhiều ngón chân cúng tổ tiên, không ngờ hơn một tháng sau đàn gà lăn ra ốm rồi chết sạch chỉ sau hai đêm".
Sau sự việc cúng tổ tiên bằng gà "chín cựa" ông Sinh cùng nhiều người khác tin rằng, tổ tiên không thích "ăn" gà nhiều ngón. Nếu cúng loại gà này thì sẽ bị tổ tiên trừng phạt. Sau sự kiện đó, đến 5 năm sau gia đình ông Sinh mới phục hồi lại được đàn gà của gia đình bao gồm cả gà "chín cựa" và gà thường.
|
Cận cảnh chân gà "chín cựa". |
Gà "chín cựa lên ngôi"
Mặc dù người dân bản địa không cúng tổ tiên bằng gà "chín cựa" nhưng khi đến Mẫu Sơn hỏi về giống gà này nhiều người cười lớn mà khoe rằng: "Ở núi Mẫu Sơn thì thiếu gì cái giống gà nhiều ngón chân ấy, 10 nhà thì cũng có tới 7 - 8 nhà nuôi giống gà này". Sở dĩ gà "chín cựa" ngày càng được nuôi nhiều ở Mẫu Sơn vì mấy năm gần đây, nhiều người dưới xuôi đổ xô lên núi lùng sục mua giống gà này về làm quà biếu với giá cao gấp đôi, gấp ba gà thường.
Nói là gà "chín cựa" vậy nhưng thực chất ở chân chỉ có 5 - 6 ngón, phía trước 3 ngón, phía sau 2 - 3 ngón, riêng gà trống có thêm 2 cựa nữa. Không ai biết gà "chín cựa" được nuôi ở núi Mẫu Sơn từ bao giờ và ai là người đem giống gà kỳ lạ đó về đây, người dân Mẫu Sơn đời này qua đời khác nuôi giống gà kỳ dị khác thường có nhiều ngón chân đó để ăn thịt.
Dẫn chúng tôi ra sân rồi vãi một nắm gạo gọi đàn gà "chín cựa" về, anh Hoàng Phúc Tình, ở bản Khuẩy Tẳng, xã Mẫu Sơn khoe: "Gia đình tôi có gần 50 con gà "chín cựa". Nhà tôi nuôi loại gà này từ nhiều đời nay để ăn thịt chứ không cúng tổ tiên cũng không bán ra ngoài. Sang mấy năm nay có nhiều người dưới xuôi lên tìm mua gà nhiều ngón, họ bảo đó là gà "chín cựa" nên mua với giá cao vì thế gia đình tôi không thịt gà nữa mà để bán lấy tiền.
Cách đây 2 năm, họ đến mua gà nhiều ngón chân của gia đình tôi với giá 200.000đ/kg, trong khi gà thường chỉ bán được 120.000đ/kg. Hiện tại giá gà "chín cựa" là gần 300.000đ/kg nhưng gia đình tôi không còn nhiều gà để bán. Tôi đang nuôi mấy chục con để cuối năm bán được giá hơn. Như Tết Nguyên Đán 2013 có người vào nhà tôi hỏi mua gà nhiều ngón chân với giá lên đến 600.000đ/kg về làm quà biếu".
|
Gà “chín cựa” có giá cao gấp 2 – 3 lần so với gà thường. |
Theo anh Tình thì tỷ lệ trứng hỏng của gà "chín cựa" là rất cao, ví dụ, một ổ gà đẻ được 20 trứng thì chỉ nở ra được 10 - 12 con, còn lại là trứng ung, trong khi đó, nếu so sánh cùng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng thì gà thường có tỷ lệ nở cao hơn. Tuy nhiên đổi lại, sức đề kháng của gà "chín cựa" lại rất tốt, gà con không bị chết kể cả khi thời tiết lạnh đến mức đóng băng, còn gà ít ngón chân thường hay bị bệnh tật, không chống đỡ được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Khi hỏi về gà "chín cựa", nhiều người dân địa phương bảo, ở trên núi này chỉ có nhà anh Tăng Văn Thành là nuôi nhiều loại gà này nhất. Trước đây, nhà anh thịt gà "chín cựa" để cúng tổ tiên nên đàn gà bị chết hết. Đến năm 2008, gia đình anh mới gây giống trở lại và phát triển đàn gà lên tới gần 100 con.
Anh Thành cho biết: "Năm 2011 có mấy khách du lịch dưới xuôi lên đặt mua loại gà nhiều ngón chân để thịt, họ dặn nhà tôi nuôi một đàn đến cuối năm nay sẽ lên mua với giá cao".
Theo nhiều người dân địa phương thì hiện có rất nhiều gia đình trên đỉnh núi Mẫu Sơn nhân giống gà "chín cựa" do giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với gà thường.
"Vào dịp cuối năm, gà "chín cựa" thường được bán với giá rất cao, khoảng 500.000đ/kg, thậm chí như cuối năm 2012 có người còn mua với giá 650.000đ/kg về để làm quà biếu. Ngoài ra, một số chủ nhà hàng đặc sản cũng lên đây mua gà "chín cựa" với giá trung bình 450.000đ/kg, sau đó đem về thành phố bán lại cho khách với giá gần một triệu đồng/kg", anh Hoàng Phúc Tình cho biết. |
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Quách Văn