Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm và sáng tạo từ Israel

Google News

Chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp ứng phó, giải quyết các thách thức về môi trường, về tài nguyên mà còn là động lực thấy đẩy sự phát triển.

Phat trien kinh te tuan hoan: Kinh nghiem va sang tao tu Israel
 Ứng dụng các mô hình tuần hoàn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
Hội thảo “Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel”, do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.  Israel là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Thông qua hội thảo, Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm trên hành chình chuyển dịch từ quốc gia khởi nghiệp sang quốc gia đổi mới sáng tạo, tuần hoàn của Israel.
Ông Yaron Mayer - Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Israel đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn, mỗi quốc gia đều áp dụng các chiến lược phù hợp để tận dụng thế mạnh của mình.
"Việt Nam đang lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh hiện đại hóa. Trong khi đó, Israel, với nền kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đang dẫn đầu với các công nghệ và hoạt động giúp giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên", ông Yaron Mayer chia sẻ.
Phat trien kinh te tuan hoan: Kinh nghiem va sang tao tu Israel-Hinh-2
Ông Yaron Mayer - Đại sứ Israel tại Việt Nam. 
Theo ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam gần đây đã trở thành thành viên của Vietnam Circular Economy Hub, một nền tảng được thành lập như một quan hệ đối tác công tư nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Bước tiến quan trọng này củng cố cam kết của Israel trong việc hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong nhiều lĩnh vực - cả công và tư - để thúc đẩy tính tuần hoàn và tính bền vững. Cùng nhau, hai quốc gia hướng đến mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cộng đồng toàn cầu.
Ông Nguyễn Thế Thông - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam cho biết, hiện đã có nhiều cơ chế để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là bước đột phá khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đi vào thực tiễn. Luật này cũng đã có các quy định để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như phân loại rác thải tại nguồn có hiệu lực từ đầu năm 2024, quy định hạn chế sử dụng đồ nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần...
Việt Nam mới ở giai đoạn đầu là hoàn thiện chính sách nên còn hạn chế trong nhận thức về kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện. Ngoài ra còn hạn chế về dữ liệu, thông tin, khả năng hấp thụ thông tin về kinh tế tuần hoàn, nguồn lực phát triển như con người, tài chính và thiếu động lực tài chính.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn sơ khai, chưa thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia đồng bộ. Các doanh nghiệp có thực hiện sản xuất tuần hoàn nhưng tập trung vào tuần hoàn tài nguyên, hạn chế chất thải. Mục tiêu chính trong sản xuất kinh doanh chính là yếu tố kinh tế và đặc biệt là có sự khác biệt với một số nước trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Bài học từ Israel 
TS Trần Thị Nguyệt - Chuyên viên Phòng Tổng hợp Kinh tế và Phát triển (Đại Sứ quán Đức) cho biết, tại Việt Nam, theo các định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, cơ quan quản lý đang xác định, bước đầu tiên là tập trung đầu tư về khung chính sách, nguồn lực về con người để làm khung cho kinh tế tuần hoàn. Tiếp đó mới là đầu tư về cơ sở vật chất làm nền tảng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Do đó, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu là hoàn thiện cơ chế chính sách.
Dù xác định được các lĩnh vực, ngành nghề chính tập trung đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến nay, mới có ít hợp tác xã, doanh nghiệp ở lĩnh vực này mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tuần hoàn. Trong khi nông nghiệp là ngành có dư địa lớn để sản xuất tuần hoàn.
Phat trien kinh te tuan hoan: Kinh nghiem va sang tao tu Israel-Hinh-3
Bà Sharon Madel Artzy, Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Israel chia sẻ kinh nghiệm. 
Bà Sharon Madel Artzy, Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Israel cho biết, Israel nằm ở vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro khí hậu. Chính điều kiện này đã thúc đẩy Israel trở thành một bên tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Israel là quốc gia nhỏ với ít nguồn tài nguyên, do đó Israel không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên để phát triển mà phải ứng dụng các mô hình tuần hoàn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Một trong những vấn đề cơ bản nhất là làm thế nào để người dân hiểu được về kinh tế tuần hoàn và đồng lòng tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và bền vững hơn. "Để vượt qua trở ngại này, Israel đã tích cực giáo dục cộng đồng, tăng cường tuyên truyền qua truyền thông để khuyến khích người dân, để họ hiểu rằng: Việc chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp ứng phó, giải quyết thách thức về mặt tài nguyên, mà còn thúc đẩy, mang lại cơ hội trong đổi mới, sáng tạo tuần hoàn", bà Sharon Madel Artzy chia sẻ.
Theo bà Sharon Madel Artzy, nếu như Israel đi từ thực tiễn đến hoàn thiện cơ chế chính sách thì Việt Nam lại ngược lại, đang tập trung vào khâu hoàn thiện cơ chế chính sách để làm nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại Israel, kinh tế tuần hoàn với việc ứng dụng hàng loạt công nghệ cao trong nông nghiệp có một đặc trưng đó là phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của ngành với rất nhiều hệ sinh thái tuần hoàn như nông nghiệp thông minh, xử lý nước, xử lý rác, vật liệu phân hủy sinh học, tái chế, phụ gia hiệu suất cao…
Điều này, cần có khoản hỗ trợ, tài trợ không hoàn lại để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Hiện, Israel đang có các khoản tài trợ, hỗ trợ không hoàn lại dựa trên các quy định về thuế chôn lấp. Ngoài ra, thuế carbon được bắt đầu áp dụng từ năm 2023, và được đầu tư ngược lại cho các ngành cũng sẽ giúp thúc đẩy các đơn vị giảm rác thải.
Đặc biệt, theo bà Sharon Madel Artzy, cần trao quyền cho hợp tác xã, doanh nghiệp đi liền với thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và củng cố hệ sinh thái tuần hoàn trong thực tiễn.
Theo ông Yaron Mayer, các hợp tác xã, doanh nghiệp nên bắt đầu phát triển kinh tế tuần hoàn từ những sáng kiến, ý tưởng, sản xuất ra sản phẩm mẫu, phối hợp với các đơn vị để được tư vấn hỗ trợ. Muốn sản xuất tuần hoàn, hợp tác xã cần có lộ trình cụ thể cho chính mình để vừa tận dụng được các cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực đi liền với cơ sở vật chất, huy động tài chính.

PV