Kịch bản tác động cuộc tấn công Hamas-Israel tới kinh tế toàn cầu
Xoay quanh chiến sự Hamas-Israel, trước những hàng động chuẩn bị đáp trả nhóm phiến quân Hamas của Isael dấy lên mối lo ngại về việc Lebanon và Syria ủng hộ Hamas có thể tham gia chiến đấu sẽ khiến căng thẳng leo thang.
Theo Bloomberg Economics đánh giá, chiến sự Hamas-Israel có thể sẽ khiến giá dầu leo thang, lạm phát tăng cao hơn và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tùy theo các kịch bản tình hình chiến sự mà mức độ tác động sẽ khác nhau.
Ở kịch bản 1 khi xung đột chỉ giới hạn ở khu vực biên giới dải Gaza, mức độ tác động lên kinh tế toàn cầu là thấp nhất. Trong khi, kịch bản 2 cho thấy mức độ tác động tăng lên dựa trên giả định xung đột tại khu vực này có sự tham gia của các lực lượng hẫu thuẫn phía sau của Hamas. Ở kịch bản 3 dù khả năng thấp là dẫn tới chiến tranh giữa Israel và Iran, nhưng nếu xảy ra có thể gây nên suy thoái toàn cầu.
Tạo động lực làm tăng giá dầu
Theo EIA, tổng sản lượng sản xuất dầu thô toàn thế giới 2022 là 75,5 triệu thùng/ngày, trong đó, khối OPEC chiếm 38%, OPEC+ chiếm 22%, Mỹ chiếm 16%, các nước khác chiếm 24%.
Bản thân Israel không phải là nguồn cung dầu lớn nhưng việc Hamas tấn công Israel tạo nên rủi ro xung đột có thể lan rộng đến Saudi Arabia và Iran (Israel cáo buộc nước này tham gia vào vụ tấn công), 2 nước chiếm 17% tổng nguồn cung dầu thô.
Yuanta cho rằng, các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá dầu tăng cao như: Dầu mỏ (PVD, PVS, BSR); Khí đốt (GAS, CNG).
Quy mô thương mại Israel trên thế giới
Tổng giá trị xuất khẩu của Israel ra thế giới năm 2022 là 73,6 tỷ USD, chiếm 0,3% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu.
Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất là máy móc, thiết bị, đá quý, khoáng sản, dược phẩm... tuy nhiên, chỉ chiếm dưới 2% tổng giá trị xuất khẩu của cả thế giới nên việc giảm xuất khẩu của Israel sẽ không có nhiều tác động tới nguồn cung hàng hóa thế giới.
Các mặt hàng Israel xuất khẩu khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu toàn cầu (tổng nguồn cung), vũ khí đạn dược chiếm tỷ lệ lớn nhất 8,87%, theo sau là phân bón với 2,31%.
Yuanta cho rằng việc Israel giảm xuất khẩu các mặt hàng có thể sẽ có ảnh hưởng tới lĩnh vực Phân bón tuy nhiên không quá nhiều, đối với các mặt hàng khác không ảnh hưởng nhiều do chiến tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn cung xuất khẩu của thế giới.
Quy mô Thương mại giữa Việt Nam - Israel
Tổng giá trị Việt Nam nhập khẩu từ Israel năm 2022 là 175,8 triệu USD, chiếm dưới 0,01% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, nếu xảy ra đứt quãng nguồn cung từ Israel do chiến tranh, sẽ không có ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Xét về cơ cấu từng ngành hàng, chỉ có phân bón là nhập khẩu từ Israel chiếm 6,78% tổng lượng nhập khẩu phân bón 2022. Theo đó, nếu Israel xảy ra các vấn đề về nguồn cung thì hàng hóa ảnh hưởng nhất về nguồn cung có thể là phân bón, tuy nhiên, Yuanta cho rằng mức độ là không nhiều do tỷ trọng nhỏ và năng lực sản xuất phân bón trong nước vẫn đang dư thừa.
Tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang Israel năm 2022 là 780,5 tiệu USD, chiếm 0,2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc suy giảm nhu cầu nhập khẩu (nếu có) từ Israel thì nhìn chung cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Xét theo mặt hàng cụ thể, máy móc và thiết bị là chiếm tỷ trọng lớn nhất 60% tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang Israel năm 2022, tuy nhiên, chỉ tương đương 0,3% tổng giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị của Việt Nam 2022. Ngoài ra, các nhóm hàng khác cũng không chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng của Việt Nam, cao nhất là các chế phẩm ăn được khác (1,3% tổng giá trị xuất khẩu nhóm này).
Một số triển vọng về xuất khẩu thủy sản sang Israel
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết vào ngày 25/7/2023 mở ra cơ hội cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Israel và là bước tiến mới để giúp thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông rộng lớn.
Mặc dù giá trị xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường Israel hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam nhưng đây là một thị trường tiềm năng với VIFTA, còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp thủy sản vì: 1) Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao; 2) Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên; 3) nhu cầu tiêu dùng khá lớn, giá trị nhập khẩu thủy hải sản 2022 của Israel là 781,2 triệu USD (+29,5% so cùng kỳ) cho thấy sức mua rất lớn.
Hiện tại, riêng mặt hàng cá ngừ thì Israel đang có tiềm năng rất lớn cho ngành xuất khẩu cá ngừ, Israel đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ.
Trong 5 tháng 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đạt 21 triệu USD, tăng 83% so cùng kỳ, tăng mạnh nhất trong bối cảnh nhu cầu suy giảm ở các nước và các nhóm hàng hóa khác.
Minh An