Trên giá sắt vụn một chút
Trong kế hoạch thanh lý tàu năm 2016, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra danh sách thanh lý 6 con tàu hàng khô, bao gồm: Tàu Vinalines Global, Tàu Vinalines Trader, Tàu Vinalines Fortunar, Tàu Vinalines Star, Tàu Vinalines Ocean, Tàu Vinalines Ruby.
Các tàu hàng khô nói trên đều trên 20 tuổi - độ tuổi được xác định là già để khai thác. Khi nguồn hàng khan hiếm, cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì những tàu già thường không có người thuê, phải neo chờ hàng dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá, bị tính thêm phí tàu già.
Nếu tiếp tục khai thác tình hình thị trường hiện tại và dự báo không có sự tăng trưởng đột biến trong vòng 3 năm tiếp theo thì kết quả kinh doanh sẽ lỗ lớn và không trả được nợ gốc và lãi vay mua tàu.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 9/6, một kỹ sư đóng tàu có kinh nghiệm trong ngành hàng hải cho biết: "Bây giờ đưa các con tàu nên để bán thì cũng tùy vào chất lượng tàu, chủng loại tàu, mới có thể định giá cụ thể.
Tôi không biết họ có giao trên thị trường bán tàu quốc tế hay không, nhưng nếu có bán thì cũng chỉ bán được theo trọng lượng sắt vụn. Trọng lượng tàu không, được gọi là Line Ship, bây giờ tính Line Ship là bao nhiêu thì sẽ có giá như vậy, chứ không còn giá trị con tàu.
|
Tàu Vinalines Ruby được đóng mới năm 2012 cũng bị rao bán. |
Ví dụ như bây giờ chỉ tính trọng lượng sắt, thì chỉ tầm khoảng độ 1000-2000 tấn, đồng nghĩa với giá bán phế liệu, bởi đây hoàn toàn là những con tàu hết khả năng làm việc hoạt động bình thường.
Như vừa qua một số ông chủ tư nhân mua những con tàu Falcon cũ, kinh doanh rất có lời. Chúng ta nên hoan nghênh các doanh nghiệp tư nhân mua, kinh doanh được là tốt, phải để các ông chủ tư nhân Việt Nam làm giàu bằng những cuộc mua bán tàu cũ này".
Thế nhưng, theo vị kỹ sư trên, cái khó của chúng ta là vấn đề định giá, vì khi Việt Nam mua với giá thành đắt hơn giá trị thực, giống như thương vụ mua ụ nổi 83M, đáng lẽ mua 3 đồng thì mua 5 đồng.
Vì thế, nếu bán ra, thì sẽ phải bán dưới giá mua bị đội giá, rồi sẽ dưới giá thật, bởi kinh doanh không có lời, nên tính ra chỉ trên giá sắt vụn một chút.
Nhưng chắc chắn sẽ có đối tác mua vì trên thế giới cái gì cũng mua được, cái gì cũng bán được, không mục đích này thì mục đích khác, đều có người cần. Con tàu nhiều công dụng, không dùng được thì làm sắt vụn. Hoặc là họ đưa ra nhiều phát kiến, như vừa rồi những con tàu Falcon đã được sửa chữa xong và chạy khai thác rất tốt.
"Sẽ có khả năng các khách nước ngoài sẽ mua, nhưng giá không cao, bởi vì toàn thế giới đang thừa tàu, thị trường vận tải biển thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, nên chắc chắn sẽ lỗ nặng", vị kỹ sư trên dự báo.
Bán tốt hơn bán tàu trẻ
Cũng chia sẻ với Đất Việt, một kỹ sư khác cũng bày tỏ: "Việc tìm được người mua đã là một khó khăn, trong tình trạng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nhu cầu vận tải chưa lên thì sẽ rất khó, chỉ là những người thích đầu cơ cho tương lai mới có nhu cầu mua.
Ngay cả bán với giá sắt vụn, thì may ra bán xác tàu già có giá hơn bán xác tàu trẻ, vì ngày xưa làm sắt xịn, giờ hầu như là sắt đểu".
Theo vị kỹ sư trên, hầu hết, các nước hiện nay đã chấm dứt mua tàu cũ đã qua sử dụng, chỉ có Việt Nam vẫn còn tồn tại, thậm chí có ngành công nghiệp phá tàu cũ. Nên việc rao bán gặp được khách cũng không ít khó khăn, nhưng vẫn sẽ có nhà đầu tư mua, vì có thể dùng vào nhiều mục đích.
Tuy nhiên, cũng nhiều nhà đầu tư sẽ lo ngại về chi phí sửa chữa, bảo dưỡng để duy trì tàu đảm bảo các tiêu chuẩn yêu cầu của đăng kiểm cũng như để vượt qua các kỳ kiểm tra của đơn vị bảo hiểm.
Được biết, Vinalines dự kiến tiến hành bán các tàu trong danh sách nêu trên vào Quý II/ 2016 do việc sớm triển khai bán tàu sẽ giúp Tổng công ty cắt lỗ, giảm thiệt hại cũng như giảm áp lực tài chính, cải thiện nguồn vốn và tạo điều kiện cho việc tập trung dòng tiền để khai thác các tàu trẻ hơn giúp kết quả kinh doanh chung cả đội tàu khả quan hơn.
Theo Đất Việt