Nếu muốn chọn một tin tức có thể mang lại những cảm xúc vui vẻ cho người đọc, xin chân thành khuyên bạn đọc đừng bỏ qua một bản tin ngắn trên báo Tiền phong gần đây.
Bản tin cho biết một tin vui: “Ngày 3/6, thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, vừa tiến hành xong phiên đấu giá bán ụ nổi trứ danh của Vinalines 83M. Theo đó, một cá nhân đã thắng phiên đấu giá với mức 38,5 tỷ đồng”.
|
Ụ nổi 500 tỷ của Vinalines đã bán thành công với giá sắt vụn. |
Cái ụ nổi 51 tuổi này nổi tiếng bởi báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực cho nó. Không phải bởi nó có đặc tính gì nổi bật mà bởi nó có một số phận kỳ lạ. Ụ nổi này đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga dừng quản lý từ năm 2006, chắc với lý do để cho… về hưu vì tuổi già sức yếu. Thế nhưng sứ mạng với đời của nó chưa hết, năm 2008, hai ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn quyết tâm rước “cụ hưu” này về.
Trần đời cũng chưa thấy có màn mua bán nào lạ kỳ như màn mua cái ụ nổi này, báo Tiền phong cho biết, trong khi bên bán chỉ chào giá 5 triệu USD thì phía Vinalines lại đòi mua với giá 9 triệu USD.
Sau khi sửa chữa, vận chuyển về đến Việt Nam, ụ nổi 51 năm tuổi này có giá lên tới 19,5 triệu USD, tức hơn giá gốc đến 14,5 triệu USD, thật là một hợp đồng thần kỳ vì bên mua càng chịu thiệt bao nhiêu càng sung sướng bấy nhiêu.
Và kết quả, sau khi rước được “cụ” ụ nổi 51 tuổi về đến nơi, chi phí neo đậu ở cảng Cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai đến nay đã lên tới hơn 50 tỷ đồng. Và ngày 3/6 mới đây, một nhà đầu tư đã bỏ ra 38,5 tỷ đồng để sở hữu chiếc ụ nổi tai tiếng. Tức là bán xong xuôi ụ nổi, Vinalines vẫn còn lỗ 11,5 tỷ đồng phí neo đậu. Còn số tiền 500 tỷ đồng (gồm tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, bảo quản, dù chưa một lần sử dụng) đã hóa thành bọt biển tan vào đại dương.
Những con số của thương vụ mua bán này hẳn cũng tạo nhiều cảm hứng cho người đọc. Nó cho thấy chuyện kỳ lạ đến đâu, cũng vẫn có thể xảy ra, miễn là người ta quyết tâm và có ý chí làm nên nó. Có thể nói đây là vụ mua bán kỳ quặc nhất trong lịch sử thương mại thế giới chứ chẳng ngoa.
Bên cạnh con số 38,5 tỷ đồng đã hóa giá thành công chiếc ụ nổi 500 tỷ, chúng ta còn có 1 con số ấn tượng không kém. Đó là chuyện sau khi bị thanh tra vì trả lương cao, thì Công ty xổ số kiến thiết Tiền Giang lại có một bước tiến mới hơn, đó là lại trả lương nhân viên… cao hơn nữa.
Thông tin trên báo Vnexpress cho biết, hết năm 2015 công ty có 125 lao động, lương bình quân đạt 23,7 triệu đồng một tháng. Cộng khoản thưởng phúc lợi 8,8 triệu đồng, bình quân các nhân viên của công ty có thu nhập lên tới 29 triệu đồng. Còn năm nay, công ty tiếp tục chăm lo đời sống người lao động khi đặt kế hoạch thu nhập bình quân là 30,2 triệu, cán bộ quản lý 49 triệu đồng.
Con số này lại đang gây bão trên mạng xã hội khi làm dấy lên một cuộc tranh cãi. Người thì bảo tưởng bỏ tiền ra mua xổ số để “ích nước lợi nhà” chứ để trả lương cao cho các cán bộ quản lý và nhân viên công ty xổ số thế này thì mua làm gì.
Người thì chua chát hơn khi so sánh, người bán vé số (đa phần là trẻ em, người già, người tàn tật) lê thân ngoài mưa nắng chỉ kiếm được vài triệu đồng/tháng, trong khi các nhân viên công ty này không biết làm những việc gì mà lại “ngồi mát ăn bát vàng” như vậy.
Chưa hết, công ty xổ số này còn đem hàng trăm tỷ đồng đi đầu tư ngoài ngành và đều đang thua lỗ nên chưa thể thoái vốn. Năm 2016, Xổ số Tiền Giang đặt mục tiêu doanh thu 3.740 tỷ, lợi nhuận là 515 tỷ đồng.
Ụ nổi mua 500 tỷ về bán thành công với giá sắt vụn, lương nhân viên công ty xổ số 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều ngành nghề cần phải đầu tư chất xám. Đọc những tin tức này, hẳn nhiều người đã tin, chẳng có chuyện lạ kỳ nào mà không thể xảy ra ở ta, phải không thưa bạn đọc.
Theo Báo Đất Việt