Nợ lương công nhân, không thưởng tết
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu 76 (quận 7) thuộc Tập đoàn Vinashin là một trong số các doanh nghiệp nợ lương công nhân, không thưởng tết trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi thực hiện tái cơ cấu, số lao động của doanh nghiệp từ 500 người giảm còn 135 người. Việc làm hầu như không có nên ngoài lĩnh vực chính là đóng tàu, công ty nhận gia công cơ khí và nhiều việc khác, nhưng hợp đồng cũng không có nhiều và do thị trường cạnh tranh nên giá cả rất thấp.
Từ tháng 10 đến nay hàng trăm lao động của công ty vẫn bị nợ lương, nên mọi người cũng không dám mơ đến tiền thưởng, chỉ mong được trả đủ tiền lương để ăn Tết. Hiện doanh nghiệp này còn đang nợ bảo hiểm xã hội thành phố 5,4 tỷ đồng, người lao động gặp rất nhiều khó khăn do không thể chốt sổ lao động để xin việc khác.
Tình trạng nợ lương của Vianshin đã diễn ra từ lâu. Cụ thể, cũng vào thời điểm cuối năm 2009, ròng rã sau 1 năm đi đòi nợ lương không được, 50 cán bộ nhân viên Công ty CP Truyền thông Vinashin (thuộc Tập đoàn Vinashin) đã gửi đơn phản ánh tới các cơ quan báo chí.
“Tính đến hết năm 2008, công ty đã nợ lương của chúng tôi người nhiều là 4 tháng liên tục (tháng 9, 10, 11, 12/2008), người ít là 3 tháng và tiền trợ cấp thôi việc. Thống kê 21 người thì tổng số tiền công ty còn nợ đã là 481.941.860 đồng” - anh Trần Ngọc Hải, nhân viên của công ty này cho biết.
Hơn 1 năm trời, rất nhiều lần cán bộ, nhân viên của công ty nhẫn nại liên lạc với Ban giám đốc cùng nhiều đơn lên Công đoàn Tập đoàn nhưng vẫn chỉ nhận được sự im lặng từ cấp trên.
Lãnh đạo Vinashin, tính đến hết tháng 6/2010, tổng số doanh nghiệp của tập đoàn là 289 công ty, với số lao động là 49.454 người. Vinashin đang nợ trên 100 tỷ đồng lương.
Cuối năm 2010, Thủ tướng vừa ký quyết định cho phép các doanh nghiệp thuộc Vinashin được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất bằng 0%, trong vòng một năm để trả lương cho cán bộ công nhân viên làm việc tại đây.
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinashin đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lao động, theo hướng giữ lại công ty mẹ - tập đoàn và 8 đơn vị thành viên khoảng 8.000 người, lao động tiếp tục làm việc, tại các doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình khoảng 6.000 người.
Sa thải để né thưởng tết
Một chiêu né thưởng tết, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng là cho hàng loạt nhân viên nghỉ việc.
Chị Hoa, nhân viên hành chính một công ty phần mềm tại Thanh Xuân ký hợp đồng một năm từ ngày 1/1 đến 31/12. Năm ngoái thì chị mới vào công ty nên không được thưởng Tết, chỉ được ứng trước một tháng lương.
"Mình biết thời buổi khó khăn nên cũng không định chuyển việc. Tình hình làm ăn của công ty năm nay cũng tạm nên mình hy vọng cuối năm ít nhiều sẽ có một khoản thưởng để ăn Tết", chị Hoa cho hay.
Tuy nhiên, cách đây vài ngày, lãnh đạo công ty ra quyết định từ nay đến cuối tháng sẽ thanh lý hợp đồng với chị Hoa và nhiều nhân viên khác để cắt giảm nhân sự xuống còn một nửa.
"Hỏi ra mình mới biết, lãnh đạo công ty năm ngoái cũng tiến hành sa thải nhân sự dịp trước Tết để né thưởng. Những người được giữ lại chủ yếu là thân cận.
Đến tháng giáp Tết, họ lại tuyển một số người để bù vào chỗ vừa cho nghỉ, nhưng những nhân viên này mới đi làm nên không được thưởng, chỉ hưởng lương thử việc bằng khoảng 50% bình thường. Hơn nữa, để qua giai đoạn thử việc, họ lại phải làm khá vất vả, thậm chí tháng Tết còn phải làm ngoài giờ", chị Hoa cho biết.
Anh Hải, giám đốc một công ty cũng chia sẻ, ở nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo tránh gánh nặng thưởng bằng cách sa thải nhân viên trước dịp Tết.
"Những vị trí sa thải thường là dễ tìm người thay thế, để hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Hiện nay, tuyển người cũng không quá khó khăn nên họ chẳng phải băn khoăn quá nhiều khi cho nhân viên nghỉ", anh Hải lý giải.
Theo Báo Đất Việt