Việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chính thức đổi thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy với tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation (SBIC), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con đã chấm dứt chuỗi ngày hoạt động đầy thăng trầm của tập đoàn này.
Tập đoàn Vinashin là một tập đoàn đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và có chuyên môn hoá cao, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành công nghiệp đóng mới sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai đào tạo, làm nòng cốt để ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế có hiệu quả.
Cùng điểm lại những mốc đáng nhớ trong quá trình xây dựng và phát triển của Vinashin:
Năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập theo Quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/5/2006 và Quyết định 104 QĐ - TTg. Theo Quyết định này, công ty mẹ - Vinashin được thành lập trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tổng công ty này được thành lập từ năm 1996 Quyết định số 69/TTg ngày 31/1/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Tập đoàn Vinashin được tổ chức theo mô hình cơ cấu công ty mẹ - công ty con. Trong đó, công ty mẹ hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tập đoàn có 15 Tổng công ty là công ty con của tập đoàn.
Tháng 11/2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn để đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Công ty Đóng tàu Phà Rừng và dự án đầu tư nâng cao năng lực đóng tàu của Công ty Đóng tàu Hạ Long thuộc Tập đoàn Vinashin.
Tháng 7/2010, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện tình hình tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh của Vinashin. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng, tính tới cuối năm 2009, tổng giá trị tài sản của Vinashin đạt 102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ thì tổng giá trị tài sản còn lại là gần 92.600 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Vinashin tính đến thời điểm cuối năm 2009 là hơn 86.700 tỷ đồng bao gồm 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ bảo lãnh vay, nợ các ngân hàng trong và ngoài nước, nợ các đối tác. Tổng vốn chủ sở hữu của Vinashin là 5.900 tỷ đồng. Trong năm 2009, Vinashin thực lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nhiều hơn 3.300 tỷ so với báo cáo tài chính của Vinashin (1.700 tỷ đồng).
Ngày 14/7/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin với ông Phạm Thanh Bình, phân công ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm nhiệm chức vụ.
Tại phiên họp ngày 31/7/2010, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã thảo luận và kết luận Tập đoàn Vinashin "đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng". Tập đoàn đã đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn trái với quy hoạch được phê duyệt. Trong đó có những lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề. Sản xuất, kinh doanh đình trệ. Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp. Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản.
Bộ chính trị kết luận, những yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về HĐQT và Ban lãnh đạo Vinashin trong đó có Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương cũng có trách nhiệm.
Tối 4/8/2010, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình bị bắt để điều tra về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 2108/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, theo đó chia tập đoàn ra làm 3 phần. Hai phần chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Vinashin chỉ giữ lại các công ty con thuộc 3 lĩnh vực chính gồm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.
Vào 24/12/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định cho phép tập đoàn Vinashin được vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) (với lãi suất 0%, thời hạn tối đa 12 tháng, sau đó gia hạn thêm đến hết ngày 31/12/2011) để chi trả tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, tạo việc làm và học nghề cho lao động của Tập đoàn.
Ngày 1/11/2011 Vinashin đã chính thức bị Công ty Elliot VIN (Hà Lan) khởi kiện lên tòa án tại Anh, liên quan đến khoản nợ 600 triệu USD vay bằng trái phiếu. 60 triệu USD từ khoản vay này đã đến hạn trả nợ từ tháng 12/2010 nhưng Vinashin và các công ty con không có khả năng thanh toán.
Ngày 21/10/2013, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin, chấm dứt chuỗi ngày đầy "tai tiếng" của ông lớn Vinashin.
Minh Phương (tổng hợp)