Thị trường BĐS tháng 7 và những vụ “vỡ trận” tai tiếng

Google News

Tháng 7 chứng kiến sự “vỡ trận” của thị trường BĐS khi chủ đầu tư biến mất, khách hàng phải tự nộp tiền để hoàn thiện...

Khách hàng tự thành chủ đầu tư
Tháng 7, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động với những vụ đấu tranh giữa khách và chủ đầu tư. Một trong những dự án khiến nhiều khách hàng bức xúc nhất là Usilk City (Hà Đông, Hà Nội).
Dự án nằm trong khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông được khởi công xây dựng từ tháng 8/2009 gồm 13 toà nhà cao từ 25 đến 50 tầng với 2700 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay do không còn nguồn tài chính để thực hiện, nên dự án đã đắp chiếu từ nhiều tháng nay.
 Mua nhà trên giấy, nhiều khách đứng trước nguy cơ mất trắng tiền tỷ.
Và dù chủ đầu tư đã vi phạm về tiến độ, nhưng để được nhận nhà, các khách hàng tại dự án này buộc phải tự huy động vốn để hoàn thành tiếp dự án.
Tuy nhiên, khách hàng sẽ thay chủ đầu tư để kiểm soát dòng tiền tiếp tục triển khai dự án.
Khách hàng sẽ nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng muộn nhất từ ngày 1/8/2013 vào tài khoản cá nhân mở tại BIDV. Và mỗi tuần trong tài khoản cá nhân khách hàng phải có số tiền tương ứng ít nhất 1/23 giá trị còn lại chưa thanh toán của hợp đồng mua nhà.
Tiếp theo, khách hàng uỷ quyền cho BIDV vào thứ Năm hàng tuần tự động trích từ tài khoản cá nhân này với số tiền nêu trên vào một tài khoản chung. Tài khoản này được kiểm soát bởi 1 đại diện của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long và 2 người đại diện được khách hàng uỷ quyền.
Tiền từ tài khoản chung này chỉ được chuyển vào duy nhất 1 tài khoản của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long tại BIDV Thanh Xuân theo hợp đồng tín dụng giữa BIDV Thanh Xuân và Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long và kèm điều kiện không được rút bằng tiền mặt và phải có đủ chữ ký của 3 người đồng chủ tài khoản nêu trên thì lệnh chuyển tiền mới có hiệu lực.
Đây được xem là thoả thuận chưa từng có trên thị trường bất động sản nhằm bảo vệ quyền lợi của chính người mua nhà sau nhiều năm dài cổ chờ đợi trong khi đã nộp hàng trăm tỷ đồng cho chủ đầu tư.
Và từ khi có thỏa thuận này đến ngày 1/8, khách hàng đã nộp khoảng hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản.Công trình cụm CT1 Usilk City cần khoảng 350 tỷ để hoàn thiện, trong đó khách hàng phải nộp 327 tỷ.
Cách làm của các khách hàng Usilk City cũng chỉ là việc “đặng chẳng đừng”. Bởi lẽ nếu các quy định cũng như việc thực hiện pháp luật được siết chặt thì chắc người dân sẽ có niềm tin đối với thị trường cũng như không phải đứng ngồi không yên khi hàng trăm tỷ đồng của mình không biết đi đâu về đâu?
Chủ đầu tư biến mất
Nguy cơ mất trắng tiền khi đầu tư vào dự án nhà trên giấy có lẽ thể hiện rõ nhất trong vụ việc hàng trăm khách hàng mua dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hà Nội) do Công ty Minh Việt làm chủ đầu tư.
Dự án đã đắp chiếu trong khi chủ đầu tư đã biến mất khỏi Việt Nam. Và điều đó cũng đồng nghĩa với số tiền khoảng 400 tỷ đồng khách hàng đã nộp vào dự án có nguy cơ bị “bốc hơi”.
Trước việc nhiều khách hàng đang dở khóc dở cười khi lâm vào tình trạng “bắc thang lên hỏi ông trời” với những khoản tiền mua nhà trên giấy của mình, mới đây, Bộ Xây dựng cho biết đang xây dựng khoản bắt buộc các dự án BĐS phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà.
Với giải pháp này, Bộ Xây dựng hy vọng sẽ giúp người mua nhà không bị mất tiền trong trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc này khó có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng đây là ý kiến hay nhưng hoàn toàn lý thuyết và không khả thi trên thực tế vì một số lý do.
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cho các dự án chung cư trong bối cảnh nhiều dự án đang “chết bờ chết bụi”. Nghĩa là xác suất các doanh nghiệp dừng dự án rất cao.
Thứ hai, ai là người bỏ tiền ra mua, người mua nhà hay chủ đầu tư? Nếu là người mua nhà thì chi phí quá cao, còn nếu là doanh nghiệp thì dự án sẽ tăng chi phí đầu tư, mà xét cho cùng chi phí đó cuối cùng cũng sẽ được phân bổ vào giá bán căn hộ.
Thứ ba, mức phí bảo hiểm sẽ là bao nhiêu? Điều chắc chắn sẽ rất cao vì bất động sản là lãnh vực rủi ro rất cao, vài chục phần trăm trên tổng giá trị tài sản chứ không thể ở mức 0,1 - 0,3%/năm mức phí bảo hiểm công trình xây dựng hiệu nay.
Theo VTC