Khi mà thị trường bất động sản đang đóng băng, thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này vẫn sống khỏe và sống tốt. Để đưa doanh nghiệp của mình không những đứng vững trong thị trường mà còn có những bước phát triển nổi trội, các CEO ngoài tài kinh doanh còn phải rất bản lĩnh trước sóng gió. Trong số những CEO nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp này. Họ được mệnh danh là những "bà trùm" bất động sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nga - Bà chủ 2 khách sạn Hilton ở Việt Nam
Bà
Nguyễn Thị Nga hiện là Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Tập đoàn BRG (BRG Group), bà chủ của 2 khách sạn Hilton ở Việt Nam.
Bà Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà Nga đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ). Chồng bà là Tiến sĩ, được mời ở lại làm việc tại Đức, nhưng ông bà đã quyết định trở về Việt Nam.
|
Bà Nguyễn Thị Nga không chỉ là lãnh đạo kỳ cựu của một tập đoàn bất động sản mà bà còn nổi tiếng trong lĩnh vĩnh tài chính ngân hàng. Ảnh: Internet. |
Năm 2000, bà Nga trở thành cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và 2 năm sau được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch ngân hàng này. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành Chủ tịch trong khoảng thời gian trống giữa 2 nhiệm kỳ.
Tháng 8/2006, Techcombank họp Đại hội đồng cổ đông bầu Hội đồng quản trị mới. Bà Nga quay lại giữ chức vụ cũ nhưng đến năm 2007, bà rời Techcombank, trở thành lãnh đạo cao nhất của SeABank. Năm 2012, SeABank đạt giải "Ngân hàng bán lẻ sáng tạo nhất Việt Nam". Tuy nhiên, mới đây, SeABank vướng vào ồn ào pháp lý với Vinaconex - Viettel trong một hợp đồng bảo lãnh trị giá tới 150 tỷ đồng.
Bà Nga cũng là Chủ tịch của
Tập đoàn BRG, một tập đoàn lớn với 13 công ty thành viên cùng hàng chục dự án. Thực tế, ngoài SeABank, Công ty chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities), Sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), Khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), Khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), Khách sạn Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Hilton Garden Inn, Khách sạn Sông Nhuệ... cũng nằm trong danh sách những công ty thành viên của tập đoàn này. Ngoài ra, Tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower, Khu căn hộ Oriental Palace, Showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, Dự án Thung lũng Nữ hoàng và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake… dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Nga.
Năm 2009, trong đại hội cổ đông đầu tiên của công ty Cổ phần Intimex, bà Nga bất ngờ xuất hiện như là đại diện nhóm cổ đông lớn sở hữu 46,05% vốn điều lệ của công ty này.
Năm 2012, Tập đoàn Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Nga đã mua lại khách sạn Hilton Opera - một khách sạn có vị trí hiếm có ở Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo. Mọi việc diễn ra êm thấm và đa số mọi người chỉ biết đến thương vụ này khi đã xong việc. Ngày 2/4 vừa qua, khách sạn thứ hai của Hilton là Hilton Garden Inn Hà Nội đã chính thức ra mắt. Chủ sở hữu thực sự của khách sạn Hilton thứ hai này là công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàn Kiếm. Đây là công ty kết hợp của Tổng cục Du lịch Hà Nội (Hanoi tourist) và công ty thương mại Ngân Anh. Ngân Anh là công ty con của Tập đoàn BRG.
Nói về thành công, bà Nga cho rằng mình mới chỉ thành công chút ít và đó là do dám làm và may mắn.
Bà Phan Thị Phương Thảo - Bà chủ của "Xứ sở Hạnh phúc"
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông - bà Phan Thị Phương Thảo, người sáng lập rất nhiều công ty thành viên và là chủ đầu tư dự án Happyland - dự án khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam.
Doanh nhân Phan Thị Phương Thảo có một hành trình khởi nghiệp gian truân, đầy nước mắt. Nung nấu ý định đi xa kiếm tiền để lo gia đình, một đêm, bà lén ba mẹ, bỏ nhà đi tìm việc. Lang thang ở đất Sài Gòn xa lạ, bà được vợ chồng ông chủ tiệm cơm người Hoa nhận vào làm công.
|
Bà Phan Thị Phương Thảo ngoài công việc kinh doanh còn là người tích cực trong các công tác từ thiện. Ảnh: Tầm nhìn. |
Năm 20 tuổi, bà quyết định trở về quê (Long An) mua lúa xay xát thành gạo rồi mang lên Sài Gòn bán. Một thời gian sau, bà lại đổi nghề, mua chiếu thô về thuê thợ in hoa lên rồi mang lên tận Tây Ninh bán buôn. Tuy cuộc sống đã được cải thiện nhưng cái nghèo vẫn ám ảnh bà, thôi thúc bà phải "làm ăn lớn". Nghĩ là làm, bà ra Vũng Tàu mở quán cơm, rồi buôn bán sắt thép phế liệu, "bỏ mối" cát, đá... Sau đó, khi đã khấm khá hơn, bà dốc vốn liếng mua một máy sang cát, lấy cát nhỏ bán cho nhà máy thủy tinh, cát lớn bán cho một số nhà máy sửa chữa tàu biển dùng để rửa tàu.
Công việc thuận lợi cộng với nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, đến năm 1995, tên tuổi bà đã không xa lạ trong giới kinh doanh vật liệu xây dựng với nhiều hợp đồng bán nguyên vật liệu cho một số khu công nghiệp. Hiện tại bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông và là người sáng lập rất nhiều công ty thành viên, chủ đầu tư dự án khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam: Happyland.
|
Phối cảnh khu phức hợp giải trí Happyland. Ảnh: Tầm nhìn. |
Câu chuyện làm dự án Happyland của bà bắt đầu từ chuyến đi Mỹ để mời Disneyland đầu tư vào Việt Nam. Khi họ nói chưa có khái niệm về Việt Nam và nếu để họ đầu tư dự án này phải cần 5 năm nghiên cứu, bà đã rất buồn. Trở về nước, bà quyết định đầu tư mời những nhà thiết kế, ý tưởng, thi công... lớn trên thế giới tham gia vào dự án này. Bà nói: "Mình có quỹ đất sạch lớn, có vị trí, phong cảnh đẹp. Vì vậy, tôi quyết tâm làm với mong muốn cả thế giới biết đến Việt Nam".
Dự án Happyland không chỉ là khu vui chơi giải trí đơn giản như các công viên thường thấy ở Việt Nam mà là một sự kết hợp đa dạng với vai trò trung tâm của một công viên chủ đề được đầu tư cùng đẳng cấp với các công viên chủ đề nổi tiếng thế giới như Disneyland, Universal Studio…cùng với các công trình cung cấp các dịch vụ và tiện nghi đồng bộ, đa dạng... Dự án có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống bản địa và tính hiện đại của các quốc gia trên thế giới.
Nói về phương châm thành công, bà Phương Thảo nói rằng: khi siêng năng chịu khó, nghị lực cùng lòng yêu đất nước cộng với một chút năng khiếu, may mắn thì sẽ thành công.
Bên cạnh công việc kinh doanh, bà Phương Thảo còn là người tích cực trong công tác từ thiện cũng như trong hoạt động ủng hộ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Như Loan (sinh năm 1960, nguyên quán Phú Yên) người thành lập và điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Bà là một trong những phụ nữ được đứng trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Loan khởi nghiệp từ ngành chế biến gỗ, kinh doanh phân bón rồi rẽ sang kinh doanh bất động sản một cách tình cờ. Bà bước chân vào con đường bất động sản cũng là do duyên số khi một người nợ tiền phân bón của bà trả cho bà bằng miếng đất. Lúc này trong đầu bà le lói ý tưởng sẽ làm ăn với miếng đất này. Thế là bà cùng với đối tác đầu tư vào khu đất, mỗi bên góp 50% vốn lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh. Sau đó, bà bán lại cổ phần của mình và lập ra Công ty Quốc Cường Gia Lai. Công ty của bà đã làm bất động sản trên 10 năm, gay cấn nhất vẫn là gia đoạn 2007-2008 khi công ty của bà gặp sức ép rất lớn vì thị trường có nhiều biến động. Bà đã giữ vững tay lái đầu tàu cho công ty. Vượt qua biến động bà bắt đầu đưa Quốc Cường Gia Lai thẳng tiến tới những mục tiêu vạch trước. Bà đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2010 phấn đấu đạt 370 tỷ đồng sau thuế. Đến năm 2011 kế hoạch lợi nhuận phải đạt hơn 600 tỷ đồng. Rồi năm 2012 là hơn 900 tỷ đồng sau thuế. Đáng nể phục là bà đã dần dần đưa công ty cán đích đặt ra.
|
Bà Nguyễn Thị Như Loan. Ảnh: Internet
|
Đối với bà Loan: "Làm ngành bất động sản mà không đặt ra nhiều phương án thì không bao giờ thành công”.
Khi bước vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng đồng nghĩa với việc có tinh thần thép, quyết đoán để xoay sở tình huống. Bà đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng nên tên tuổi trên thương trường bất động sản. Cho tới giờ, Quốc Cường Gia Lai đã trở thành một trong những công ty về bất động sản nổi tiếng ở phía Nam.
Hiện bà Loan sở hữu 60 triệu cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai, giá trị gần 406 tỷ đồng. Mặc dù đã bổ nhiệm con trai là Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) vào chức vụ Phó Tổng giám đốc, phụ trách công bố thông tin nhưng người ta vẫn thường thấy bà Loan xuất hiện trên các phương tiện truyền thông mỗi khi có thông tin liên quan đến Quốc Cường Gia Lai.
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín
Bà Huỳnh Bích Ngọc sinh năm 1962, đã từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Thành Thành Công. Hiện nay, bà Ngọc là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - mã: SCR) kiêm Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT). Bà Huỳnh Bích Ngọc là phu nhân ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, là mẹ của ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacomreal.
|
Bà Huỳnh Bích Ngọc. Ảnh: VietStock
|
Bà Ngọc đã từ nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị của Đường Biên Hòa từ tháng 10/2012 và Thành viên Hội đồng quản trị của Bourbon Tây Ninh kể từ ngày 1/11/2012. Không xuất hiện trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán, tuy nhiên, bà Huỳnh Bích Ngọc lại là một nữ doanh nhân rất quyền lực.
Hiện tại, Bà Ngọc nắm giữ 2,25% cổ phần Đường Biên Hòa (gần 676 nghìn cổ phiếu BHS) và 1,17% cổ phần Bourbon Tây Ninh (gần 1,5 triệu cổ phiếu SBT), ước tính tổng tài sản trên khoảng 34,6 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Cường
Bà Ngà ít xuất hiện trên báo giới vì vậy cái tên Lê Thị Thúy Ngà cũng khá xa lạ so với công chúng. Hiện nay bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Cường.
|
Bà Lê Thị Thúy Ngà. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
|
Trong hệ thống khách sạn của Tập đoàn Nam Cường, hiện tại có 2 khách sạn đang hoạt động kinh doanh gồm: Khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 1998; Khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 2006. Ngoài ra, Tập đoàn hiện đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)... Đặc biệt việc đưa một phần dự án khách sạn Quốc tế Đồ Sơn vào hoạt động trong năm 2013 để phục vụ cho năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của khu vực Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Bà Ngà cũng được biết đến với khá nhiều hoạt động từ thiện. Hiện nay, quỹ "Trái tim nhân hậu" do bà Lê Thị Thuý Ngà thành lập vào tháng 8/2009 đã và đang đi vào hoạt động với cam kết đóng góp 1,5% lợi nhuận tập đoàn vào hoạt động của Quỹ.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Diên Lệ (Tổng hợp)