Tiến sĩ Trần Đình Bá, hội viên Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tác giả Chiến lược
Hàng không Việt Nam, tiếp tục lên tiếng về việc sử dụng
sân bay Biên Hòa, vốn đang bị lãng phí suốt từ năm 1975 đến nay.
|
Sân bay Biên Hòa. Ảnh: internet
|
Tuy không phải là lần đầu tiên nói về vấn đề này song ông Bá cho biết, ông vừa chính thức hoàn thành “Dự án đầu tư chuyển đổi sân bay Biên Hòa", nhằm biến sân bay quân sự này thành sân bay hỗn hợp quốc tế, quân sự có công suất 40 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo ông Bá, nếu thực hiện dự án này thì cũng sẽ giải quyết được việc làm cho khoảng 2.000 người lao động. Ngoài ra, còn có thể biến sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay hỗn hợp quốc tế trung chuyển và quân sự hiện đại nhất thế giới, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Đây cũng sẽ là sân bay hậu cần lắp ráp, sữa chữa, bảo dưỡng máy bay… với nguồn lợi mang về khoảng 1,2 - 2,5 tỷ USD/năm.
Ông Bá cũng dự tính về vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 520 triệu USD bằng ngân sách mà không phải vay nước ngoài, thời gian thực hiện trong vòng 1-1,5 năm và không phải đền bù, giải tỏa, di dời dân. Giai đoạn sau sẽ kêu gọi hợp tác quốc tế góp vốn khai thác sân bay với chức năng hậu cần kỹ thuật và dịch vụ thương mại du lịch theo mô hình Changgi – Singapore.
Việc chuyển đổi theo ông Bá sẽ giúp sân bay Biên Hòa chi viện kịp thời cho Tân Sơn Nhất trong việc hạ cánh khẩn cấp do thời tiết, đồng thời giảm tải cho sân bay này trong thời gian cao điểm.
Trước những tranh luận về dự án Sân bay Long Thành vì thiếu vốn, ngày 15/10/2104, ông Bá đã gửi dự án "Đầu tư chuyển đổi sân bay Biên Hòa" đến Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng GTTV Đinh La Thăng, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng... để làm dự án đối chứng, so sánh với kế hoạch xây sân bay Long Thành, dự kiến sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp này.
PV