Theo thông tin đăng tải mới nhất trên nhật báo kinh tế Hàn Quốc Hankyung, tòa án nước này đã gửi thông báo đến Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority về việc định giá tòa nhà Keangnam Landmark Việt Nam 72 tầng ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD). Công ty quản lý bất động sản Colliers International là đơn vị đứng ra rao bán khối tài sản này tại Việt Nam. Trong số những đối tác đang “nhòm ngó” Landmark 72, có không ít ông lớn như Goldman Sachs và Qatar Investment Authority.
Trước đó, từ giữa tháng 4/2015, cũng trên nhật báo kinh tế Hàn Quốc, thông tin về việc định giá và rao bán tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark 72, đã thu hút dư luận Hàn Quốc và giới đầu tư quốc tế.
Được thành lập từ năm 1951, Keangnam Enterprise là một trong 20 công ty lớn nhất Hàn Quốc. Keangnam gắn liền với tên tuổi của ông Sung Wan-jong, nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp xây dựng thập niên 70-80. Đây chính là người đã mua lại và phát triển Keangnam trở thành ông lớn trong ngành xây dựng tại Hàn Quốc, với doanh thu hàng năm lên đến hơn 2.000 tỷ won.
|
Tòa nhà cao nhất Việt Nam được rao bán 770 triệu USD. |
Nằm ở phía Tây của thủ đô Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), Landmark 72, với chiều cao 336 m, là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới.
Tại Việt Nam, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises bắt đầu hoạt động từ năm 2007 và nổi tiếng với dự án Landmark 72 tại Hà Nội. Landmark 72 là toà nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và diện tích sử dụng 610.000 m2. Giá căn hộ tại đây thời điểm trước năm 2010 từng được rao bán ở mức 3.000 USD một m2 (khoảng 60-80 triệu đồng).
Năm 2008, dự án này từng gây xôn xao dư luận khi chủ đầu tư đặt cược 100 tỷ đồng với cam kết hoàn thành công trình vào tháng 10/2010.
Tuy nhiên, sau nhiều biến động kinh tế và bê bối tài chính, Keangnam đang đứng trên bờ vực phá sản vì tham nhũng, và gần đây nhất là việc Chủ tịch Sung Wan-Jong tự sát. Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng đã tuyên bố xóa tên của tập đoàn này sau hơn 40 năm niêm yết. Nếu không có nhà đầu tư mua lại hoặc rót vốn vào công ty, tòa án buộc phải tuyên bố Keangnam phá sản.
Theo báo chí Hàn Quốc, để xây dựng Landmark 72, Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won. Trong đó, số tiền vay nợ ngân hàng chiếm tới 530 tỷ won. Các chuyên gia nhận định, khoản nợ trên quá lớn khiến công ty này không thể cân đối tài chính.
Theo Diệp Sa/ Zing