Theo tờ Korea Times, việc làm ăn thua lỗ đã khiến tập đoàn Keangnam phải rút niêm yết trên thị trường chứng khoán hôm qua (15/4). Điều này có thể khiến một loạt dự án của Keangnam ở nước ngoài trong đó có ở Việt Nam bị sụp đổ.
|
Các phóng viên bủa vây trước trụ sở của tập đoàn Keangnam.
|
Nguyên nhân khiến tập đoàn Keangnam gặp khó khăn về kinh tế là do hãng đang vướng vào một nghi án hối lộ liên quan đến Thủ tướng Lee Wan-koo và các nguồn tài trợ cho Tổng thống Park Geun-hye. Đồng thời hồi đầu tháng, cựu Chủ tịch hãng này - ông Sung Woan-jong đã tự tử khi đang bị điều tra nghi án lập quỹ đen dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak.
Theo tài liệu của công ty, những năm gần đây, Keangnam đã khởi động rất nhiều dự án tại 4 quốc gia Việt Nam, Sri Lanka, Ethiopia và Algeria. Trong đó, Keangnam có một dự án xử lý nước thải tại Việt Trì, Việt Nam trị giá 29,1 tỷ won (tương đương 580 tỷ đồng) và dự án "Keells City" trị giá 134,8 tỷ won tại Colombo (Sri Lanka).
Trao đổi với Korea Times, người phát ngôn của Keangnam - Kim Jin-baek cho biết rất nhiều dự án khác cũng đang được triển khai tại bốn nước này nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Lãnh đạo các chủ nợ chính của công ty gồm Korea Eximbank, Korea Trade Insurance và Shinhan Bank cho biết họ vẫn chưa chắc chắn về cách giải quyết các dự án của Keangnam tại nước ngoài.
Keangnam vẫn đang nỗ lực quyết định về quyền thụ lý tài sản từ tòa án. "Nếu đề nghị của họ được chấp thuận, tòa án sẽ có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Còn nếu bị bác bỏ, tài sản của Keangnam sẽ bị thanh lý", lãnh đạo một trong ba tổ chức tài chính trên cho biết.
Hôm qua (15/4), Keangnam đã phải rút niêm yết bắt buộc khỏi sàn chứng khoán nước này, do kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Điều này cũng có nghĩa công ty cần các chủ nợ hoặc nhà đầu tư mới bơm tiền để hỗ trợ các dự án nước ngoài đang thực hiện.
Keangnam hiện còn hàng chục dự án xây dựng tại Hàn Quốc. "Chẳng có gì chắc chắn lúc này cả. Chúng tôi vẫn theo sát sự việc", đại diện Shinhan của Keangnam cho biết.
Trong khi đó, Keangnam cũng đang vướng vào một vụ kiện tại Madagascar. Theo Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS), hãng có nguy cơ phải trả 110 tỷ won để bồi thường cho công ty xây dựng châu Phi - Dynatec Madagascar. Theo FSS, Keangnam bị kiện vì trì hoãn xây dựng một nhà máy điện tại đây.
Thành lập năm 1951, Keangnam là công ty xây dựng đầu tiên tại Hàn Quốc tấn công ra nước ngoài với một dự án tại Thái Lan năm 1965. Sau đó, công ty nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang nhiều thị trường như Trung Đông, Sri Lanka, Cameroon và Malaysia. Keangnam niêm yết từ tháng 2/1973 và là công ty xây dựng đầu tiên trong nước có mặt trên sàn chứng khoán.
Thảo Nguyên