Thương vụ thâu tóm Big C Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút khi trong tháng 4 này ông chủ Big C – tập đoàn Casino sẽ có câu trả lời chính thức cho các ứng cử viên.
Mới đây, thêm một cái tên mới trong bản danh sách các ông lớn “đặt gạch” mua Big C xuất hiện, đó là Công ty Thăng Long GTC. Đại diện mới này đề nghị mua 65% cổ phần của Công ty Vindemia SAS (thuộc tập đoàn Casino) trong liên doanh Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Siêu thị Big C Thăng Long.
Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Siêu thị Big C Thăng Long là công ty liên doanh với hai thành viên, trong đó 35% cổ phần thuộc Công ty Cổ phần Thăng Long GTC và 65% còn lại thuộc về Tập đoàn Casino mà đại diện là Công ty Vindemia SAS. Như vậy, nếu việc mua lại 65% cổ phần của Công ty Vindemia SAS thành công thì công ty Thăng Long GTC sẽ nắm giữ 100% cổ phần của Big C Thăng Long.
|
Thăng Long GTC sở hữu 30% cổ phần của Hilton Opera Hanoi. Ảnh minh họa. |
Công ty Thăng Long GTC là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội – Hanoitourist, trụ sở chính của công ty đặt tại số 113-115 Lê Duẩn, Phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoạt động chính của công ty là kinh doanh hàng hóa, xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải lữ hành, khách sạn, cho thuê bất động sản, kinh doanh bao bì in ấn…
Theo thông tin trên Website của Thăng Long GTC, các đơn vị trực thuộc công ty này gồm rất nhiều đơn vị, liên doanh trong và ngoài nước. Trong đó, đơn vị trực thuộc của công ty có toà nhà trụ sở ở Lê Duẩn (Hà Nội), xưởng thiết kế quảng cáo và sản suất bao bì , nhãn hiệu, xí nghiệp xây dựng và nội thất Thăng Long, khách sạn 70 Nguyễn Khuyến, khách sạn Bắc Nam, khách sạn Holidays Ha Noi… Liên doanh trong nước có nhiều đơn vị như công ty cổ phần Hà Nội tourist taxi (nơi Thăng Long GCT có 7% cổ phần), công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thủ đô.
Nhiều tài sản giá trị của công ty nằm ở các khoản đầu tư góp vốn như 30% cổ phần khách sạn Hilton HaNoi Opera, 25% cổ phần khách sạn Intercontinental West Lake Hà Nội, 35% cổ phần Big C Thăng Long, 30% cổ phần của Pan Horizon Hotel, 35% cổ phần công ty Thăng Long Property, 29% cổ phần công ty Pacific Thăng Long, 9,75% cổ phần của Capital Tower.
|
25% cổ phần khách sạn Intercontinental West Lake Hà Nội thuộc về Thăng Long GTC. Ảnh minh họa. |
Thăng Long GTC được biết đến với nhiều thương vụ đầu tư bất động sản, kinh doanh khách sạn và phiên IPO thành công hồi tháng 8/2015.
Ngày 13/8/2015, khi sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC, lúc này công ty có vốn điều lệ dự kiến 1.228 tỷ đồng, tương ứng với gần 123 triệu cổ phần. Trong phiên đấu giá này, 100% cổ phần đã được bán thành công với giá bình quân 10.724 đồng/ cổ phiếu, cao hơn so với giá khởi điểm đề ra 10.600 đồng/cổ phiếu. Với giá bình quân 10.724 đồng/ cổ phiếu, Thăng Long GTC thu về hơn 363 tỷ đồng.
Sau phiên IPO này, công ty chào bán 27% cổ phần cho nhà đầu tư chiến là Công ty TNHH Thung lũng vua, thuộc Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeAbank làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Nguyên nhân là bởi Thăng Long GTC đang nắm giữ số lượng và quy mô bất động sản lớn với hàng chục nghìn m2 đất và quản lý phần vốn góp tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hà Nội như: khách sạn Hilton (30%), khách sạn Intercontinental (25%), khách sạn Mercure (94 Lý Thường Kiệt)...
Trước Thăng Long GTC đã có hàng loạt đại gia tham gia thương vụ thâu tóm hệ thống Big C Việt Nam như Aeon, Lotte, TCC Holding, Central Group. Tuy ẩn mình, song với khối tài sản kể trên, cộng với nền tảng vốn là đối tác có cổ phần trong Big C, Thăng Long GTC được xem là đối thủ nặng ký có thể thắng thế trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam của Tập đoàn Casino.
Ngọc Linh (Tổng hợp)