Được xem là phương thức kinh doanh hiệu quả, tận dụng giá trị và sức mạnh của một thương hiệu đã có tiếng, thời gian gần đây, nhiều vụ mua bán, chuyển nhượng thương hiệu Việt trị giá tỷ đô liên tiếp được thực hiện.
Đại gia dốc tỷ đô mua Big C Việt
Tháng 4 này, Tập đoàn Casino (Pháp) sẽ xem xét, thẩm định để chọn đối tác chuyển nhượng Big C Việt Nam. Hàng loạt công ty lớn trong và ngoài nước đang đua nước rút để có được thương hiệu này. Mới đây, thông tin đáng chú ý được đưa trên tbao Zing, Saigon Co.op, chủ sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart, vừa tuyên bố đã vượt qua vòng 1 của quá trình đấu thầu mua lại hệ thống Big C Việt Nam. Như vậy, đại gia bán lẻ này sẽ là đối thủ của hàng loạt tên tuổi đình đám trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Central Group, TCC Holding (Thái Lan) hay Dairy Farm (Singapore) trong thương vụ mua Big C.
|
Hình ảnh minh họa. |
Theo nguồn tin, Aeon đã nổi lên thành đối tác tiềm năng sau khi đưa ra mức giá chào mua BigC Việt Nam 800 triệu USD. Ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ của Nhật Bản từng được cho là đã tiến gần đến thỏa thuận mua lại Big C tại Việt Nam.Trong khi đó, Central Group cũng dự chi từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để sở hữu toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác trong cuộc đua đã trả giá mua BigC Việt Nam cao hơn 1 tỷ Euro (hơn 1,11 tỷ USD), vượt mức 800 triệu USD mà Aeon tung ra.
Theo thông tin từ Reuters và Wall Street Journal, ngoài các tập đoàn lớn kể trên, một số doanh nghiệp trong nước như Masan Group hay Saigon Co.op cũng tham gia phiên đấu giá mua BigC.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích đã ước tính giá trị khoản chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Casino có thể lên tới 750 triệu EUR (khoảng 810 triệu USD). Tuy nhiên, nhìn vào thương vụ chuyển nhượng BigC Thái Lan của Casino cho tập đoàn TCC Holding với giá 3,1 tỷ euro, có ý kiến cho rằng, con số để sở hữu BigC Việt Nam cũng đắt đỏ không kém.
Kido chuyển nhượng trăm triệu đô, nộp thuế 600 tỷ đồng
Mới đây, thông tin trên báo Saigon Times tiết lộ, Công ty cổ phần tập đoàn KIDO đã nộp thuế 600 tỷ đồng cho việc chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô cho đối tác nước ngoài. Sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu đô la Mỹ, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) cũng đồng thời đổi tên công ty thành Công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation).
Trước đó, cái tên Kinh Đô vốn gắn liền với mảng bánh kẹo, đã được bán 80% cho Tập đoàn Mondelēz International. Kido có vốn điều lệ trên 2.566,5 tỷ đồng do ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật.
Thu hơn 1.900 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam
|
Hình ảnh minh họa. |
Đổ ra hàng trăm triệu USD để thâu tóm các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam, nhiều đại gia Thái Lan vẫn không ngừng vung tiền cho các thương vụ đình đám.
Thông tin gây xôn xao gần đây nhất có thể kể đến là khoản thu thuế hơn 1.900 tỷ đồng từ Metro Cash & Carry khi nhà đầu tư Đức này chuyển nhượng hệ thống siêu thị Metro tại Việt Nam cho đối tác TCC Holding - Thái Lan.
Trước đó, TCC mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro (tương đương khoảng 710 triệu USD vào thời điểm hiện tại). Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nguyên tên công ty và các mục tiêu phát triển, sản phẩm, dịch vụ như trước đây. Trong niên độ tài chính 2014-2015, doanh thu của Metro Việt Nam đạt hơn 507 triệu Euro. Như vậy giá trị của Metro Việt Nam hiện gấp 1,3 lần doanh thu. Metro cho biết phía TCC đã thanh toán toàn bộ khoản tiền này.
TCC Holding Thái Lan là tập đoàn được sáng lập bởi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - hiện là 1 trong 3 người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản lên tới 13,1 tỷ USD tính đến tháng 6/2015.
Ngọc Linh (Tổng hợp)