|
Ảnh minh họa. |
Trước thông tin do các tổ chức nước ngoài cho rằng, nếu không tăng giá điện cũng như nâng giá điện lên 40% trong 3 năm tới, EVN có thể bị phá sản, nhiều người dân tin rằng, các cơ quan cũng như đơn vị này cần minh bạch con số lỗ lên tới 8.800 tỷ đồng. Thậm chí, PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người nhiều năm theo dõi hoạt động của EVN, nhấn mạnh: Cần cải cách EVN trước khi tăng giá nhằm mang lại nguồn thu cho Nhà nước, dân hưởng đúng chính sách, các nguồn điện tái tạo được hòa nhập.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, tăng giá điện nếu chỉ dựa vào nguồn lỗ của EVN cung cấp là không minh bạch, không có cơ sở đối với người dân. Thay vào đó cần minh bạch nguồn lỗ này do đâu, từ thời gian nào, ai là người làm lỗ để có hướng xử lý cụ thể. Liệu có hay không nguồn lỗ do trả lương chưa phù hợp, lao động trả lương nhưng làm việc không tốt, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả... Những vấn đề này, nếu lỗ, không thể tính vào giá điện mà nhà nước đang hỗ trợ cho người dân.
"Hiện giá điện thấp do Nhà nước đang trợ giá so với giá thực tế sản xuất. Theo tính toán của chúng tôi, giá điện thực có thể cao hơn gần gấp đôi. Ví dụ, thuế sử dụng đất nếu tính sòng phẳng có thể cộng thêm trong 1KW/h từ 500 - 4.000đ. Vì thế, giá điện tăng là điều tất yếu. Nhưng, thay vì số tiền đó chảy vào ngân sách nhà nước thì dùng để mua lỗ cho EVN là chưa hợp lý", PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Thông qua đó, ông Hải này cho rằng, cần minh bạch nguồn lỗ EVN cũng như cải cách EVN trước khi tăng giá. Cụ thể, nên để các đơn vị sản xuất điện độc lập (cách này cũng là để nguồn điện tái tạo hòa nhập giảm ảnh hưởng môi trường), còn EVN chỉ là đơn vị phụ trách mua bán điện thay nhà nước.
"Tăng cũng được nhưng cần rõ ràng và phù hợp để yên lòng dân. Tránh tình trạng tăng giá nhưng dân không đồng thuận, nguồn tiền vào không đúng, chính sách nhà nước bị lạm dụng", PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Vân Đài