Ngày 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi họp cùng với bộ trưởng bốn cơ quan là Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Sau buổi họp, đại diện tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi trao đổi với các cơ quan báo chí. Ông Vinh nói:
- Một trong những trọng tâm mà tổ điều hành công tác vĩ mô của Chính phủ họp hôm nay là bàn đến
phương án tăng giá điện. Hiện
giá điện của VN thấp hơn nhiều các nước trong khu vực. Và có thể nói việc tính toán để làm sao giá điện dần dần tiếp cận với giá thị trường nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất nguồn điện cũng như tiết kiệm được điện năng.
Điều quan trọng là giá điện phải được tính chính xác và công khai, minh bạch. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu ngành điện phải xem xét hai yếu tố để có thể giảm giá thành sản xuất điện. Đó là phải giảm tỉ lệ tiêu hao năng lượng và phải nâng cao năng suất lao động, trên cơ sở công khai các chi phí về giá.
|
Công nhân EVN vận hành trạm biến áp để cung ứng điện cho Hà Nội - Ảnh: C.V.K |
Tuy nhiên, hiện tổ công tác và Chính phủ chỉ đạo trước mắt từ nay đến tết chưa bàn đến chuyện tăng giá điện.
* Giá dầu thô giảm mạnh tác động đến kinh tế VN như thế nào, thưa bộ trưởng?
- Có ba phương án, nếu giá dầu thô giảm còn bình quân 60 USD/ thùng, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của ta có giảm nhưng không đáng kể. Chúng ta sẽ xem xét ở một số lô có giá thành sản xuất cao hơn giá bán thì có thể tiết giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất.
Tuy nhiên không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của VN, mặc dù có ảnh hưởng đến các lĩnh vực nhưng không tác động nhiều lắm về mặt sản xuất.
Thứ hai: kịch bản giá dầu 50 USD/thùng, chúng ta phải giảm nhiều hơn. Thứ ba: nếu giá dầu thô ở mức 40 USD, chúng ta phải giảm 1,8-2 triệu tấn.
Theo như kế hoạch năm nay, Bộ Công thương phải sản xuất và xuất khẩu 14,74 triệu tấn. Lo nhất là phương án giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng sẽ phải giảm nhiều sản lượng khai thác, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến những dự án dầu khí lớn và mới thì không ai muốn khai thác đầu tư.
Với kịch bản giá dầu còn bình quân 60 USD/thùng thì tăng trưởng sẽ giảm so với dự kiến khoảng 0,21%. Nếu khai thác chỉ 14,4 triệu tấn thì mức giảm tăng trưởng khoảng 0,56%. Trường hợp kịch bản thấp nhất có thể thì tăng trưởng kinh tế VN có thể giảm 1%, tức là mục tiêu đặt ra 6,2% thì có thể giảm còn 5,2%.
Tuy nhiên, VN còn vừa xuất vừa nhập dầu thô và sản phẩm xăng dầu thành phẩm. Do đó, chúng ta sẽ có tác động hai chiều. Mặt khác, khi giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo.
Tuy vậy, giá xăng dầu giảm sẽ tác động đầu vào sản xuất của các ngành sản xuất sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, giá xăng dầu giảm cũng tác động đến cước vận tải. Do đó cước vận tải phải giảm. Đó là nguyên tắc.
Theo như tính toán của Bộ Kế hoạch - đầu tư, giá dầu thô 60 USD/thùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 0,27% thông qua đầu vào giảm và giá trị sản xuất của các ngành tăng lên.
Nếu giá dầu thô quanh mức 50 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 0,31%. Trường hợp giá xăng dầu ở mức 40 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,43%.
* Tuy nhiên,
giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá cước vận tải giảm chưa tương xứng. Vậy tổ điều hành đưa ra giải pháp gì?
- Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải rà soát lại giá thành của các loại hình vận tải, cố gắng càng sớm càng tốt, đặc biệt là phải giảm trước tết.
Tập trung phát triển kinh tế nông thôn
Chiều 22-1 tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, định hướng về kế hoạch năm năm 2016-2020.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần luôn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như: vấn đề xây dựng nông thôn mới hiện có nơi, có lúc còn quan tâm, chỉ đạo thiếu sâu sát, chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; có nơi trách nhiệm chưa cao.
Hiện nay có hai đơn vị cấp huyện là Xuân Lộc, Long Khánh của tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
TTXVN