Theo truyền thuyết, ông Táo là sứ giả của Ngọc hoàng Thượng đế được biệt phái xuống trần gian để ghi chép việc thiện ác ở đời. Mỗi cuối năm phải về Trời để dâng sớ tâu rõ công tác của mình đã làm được để Thượng đế có cơ sở thưởng phạt công minh đối với loài người.
Táo được chia ra làm hai cấp: Thổ Táo và Thần Táo. Thổ Táo được nặn bằng đất sét có hình dạng như hình khối chữ nhật, trên hơi nhỏ, dưới hơi lớn, hơi khom lại, có nhiệm vụ đội nồi đội chảo trong việc nấu nướng hàng ngày của nhân gian. Thời gian công tác của Thổ Táo là một năm. Lúc nào cũng có đủ ba ông chụm đầu lại mới làm được việc. Đến ngày hăm ba tháng Chạp, Táo được miễn nhiệm. Dù còn nguyên vẹn hay đã bị sứt mẻ, người ta cũng cứ mang các ông ra an vị nơi gốc cây cổ thụ trong làng hay dưới chân gò mối, nhường quyền đội nồi lại cho các ông mới. Năm này qua năm khác, Thổ Táo từ trong bếp của nhiều gia đình cho ra “định cư” cứ chồng chất cao lên thành đống. Những nơi này tự nhiên lại trở thành chỗ linh thiêng, không ai dám cả gan đụng đến dù chưa ai thấy được sự linh thiêng đó như thế nào.
Nhiều nhà sử dụng kiềng ba chân hoặc hỏa lò để nấu nướng cũng ăn theo ngày ông Táo. Nghĩa là đến hăm ba tháng Chạp cũng thay mới đổi cũ y như thế.
Dù suốt cả năm phải giam thân vào nơi khói lửa, Thổ Táo vẫn được có người trọng vọng gọi là vua bếp. Đó cũng là sự an ủi cho Táo.
|
Cá chép cho Táo Quân cưỡi về trời. Ảnh minh họa.
|
Thần Táo không ngồi dưới bếp, mà lại được ngự trên trang thờ nghiêm túc. Ngài là vị thần được Thượng đế sắc phong làm “Đông trù tư mạng táo phủ thần quân” có bổn phận ghi chép việc thiện ác của con người. Vì là Thần nên không ai biết hình dạng của người ra sao, do đó người ta cứ tha hồ mà tưởng tượng. Và cũng do từ chức năng của Ngài mà mọi người đều phải kính cẩn đèn chong hương thắp thường xuyên.
Thời gian ông Táo về chầu trời, những người lếu láo thường hay vui miệng đùa “Có nói bậy nói bạ, làm sai quấy điều gì” cũng không sợ ông Táo biết được.
Hồi ông nội tôi còn sống, đến ngày hăm ba tháng Chạp sau lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời, cụ thường bảo chúng tôi: “Đêm nay ráng thức để nghe ông Táo xé dây đai cột áo về trời!”. Cụ bảo đùa, nhưng chị em chúng tôi tưởng thật, cố ý để tâm ngoài vườn chuối. Trời khuya im ắng, thỉnh thoảng chỉ nghe có tiếng gió khua xào xạc, không nghe được có tiếng ai xé dây chuối cả.
Ông nội tôi tuy nói đùa, nhưng cũng có cái lý của cụ. Xưa nay không ai nói ông Táo có mặc quần bao giờ. Thực tế đã chứng minh điều này.
Lễ cúng đưa, ngoài chè xôi hoa quả, thế nào cũng phải có một “bộ đồ ông Táo” mua về từ hàng quán để ông Táo có áo mới mà mặc khi về chầu trời. “Bộ đồ ông Táo” chỉ gồm ba chiếc áo dài cắt ra từ loại giấy ngũ sắc, tuyệt nhiên không thấy có chiếc quần nào. Kèm theo với bộ đồ ấy, thế nào cũng có một xấp vàng bạc để ngoài làm lộ phí đi đường.
|
Cứ vào hăm ba tháng Chạp, gia đình nào cũng nấu chè xôi
hoặc bánh trái để làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời. Ảnh: Internet.
|
Tôi không hiểu sao Táo gồm có một bà hai ông. Tuy nhiên theo sự tích lý giải thì: Thuở xưa, có hai vợ chồng nhà kia sống với nhau thật hạnh phúc trong sự giàu sang. Người chồng vì sự giàu có mà sanh tánh tiêu pha phung phí. Đến lúc khánh tận, buồn bã bỏ nhà ra đi. Người vợ kiên nhẫn ở lại, cần mẫn làm ăn đợi chồng về. Đến lúc có ăn có mặc trở lại, người chồng xưa cũng vẫn biền biệt không nghe tin tức gì. Đợi lâu không thấy chồng về, người vợ bèn lấy chồng khác.
Một hôm, trong lúc chồng vắng nhà, đột nhiên thấy có một gã hành khất đến cửa ăn xin. Nhìn người đàn ông tiều tụy, hốc hác, người vợ cũng nhận ra được chồng cũ của mình. Giữa khi hai người còn đang quấn quýt tâm sự bên nhau thì bất chợt người chồng mới trở về. Người vợ hốt hoảng, đem giấu chồng cũ vào đống rơm sau hè. Tưởng là yên, ai ngờ lúc nhen lửa nấu bếp bị gió thổi làm bay tàn lửa bốc cháy đống rơm. Thấy chồng cũ bị cháy thiêu, người vợ thương tình nhảy vào chết chung với chồng. Người chồng mới thấy vợ mình chết cũng không đành lòng, nhảy vào chết theo.
Thượng đế thương tình cho cả ba người được làm vua bếp, phong chức “Đông trù tư mạng táo phủ thần quân”. Chỉ là “thần quân” mà không thấy có “thần nương” thì chắc là còn phân biệt nam nữ. Vì thế mà người đời cũng chỉ gọi là ông Táo.
Táo chắc yêu thích trẻ con nên thường hay chọc ghẹo. Chẳng thế mà, trẻ con có ấm đầu sổ mũi người ta vẫn thường đổ thừa cho ông Táo quấy phá. Và thế là cứ xuống bếp lấy một chút lọ nghẹ trên đầu ông Táo quẹt lên giữa trán trẻ con để làm phép.
Táo cũng vốn là ông thần hiền từ, không làm hại ai. Vậy mà khi oán ghét ai, hoặc trả thù, người ta đã lấy hình ảnh của tên đối thủ đem dằn dưới đít ông Táo để ếm đối, trù ẻo.
Những việc làm trên, chỉ thấy làm mà không thấy có kết quả. Đó cũng chỉ là hình thức mê tín của thời trước, nay chắc không còn.
Ngày nay dường như không còn ai dùng ông Táo để nấu bếp nữa. Có chăng cũng chỉ là ít ỏi nơi những làng quê hẻo lánh. Thời buổi văn minh hiện đại, việc nấu ăn đã thay thế bằng bếp ga, bếp điện. Táo không còn phải khổ cực sống trong khói lửa để quanh năm suốt tháng phải đội nồi, đội chảo. Nhưng thần Táo thì vẫn thấy nhiều nhà còn thờ. Ngày hăm ba tháng Chạp mỗi năm, lệ cúng ông Táo vẫn còn lưu giữ. Đó là một trong những tập tục truyền thống của dân tộc ta.
Theo Giác Ngộ