|
Ảnh minh họa. |
Tại quê tôi nhà nào cũng có một ban thờ ở bếp, thờ ông Công ông Táo. Các ngày rằm, mùng 1, ngày lễ, Tết đều thắp hương. Tuy nhiên, khi ra ngoài Bắc, các gia đình chỉ có chung một ban thờ. Xin hỏi, hai phong tục này có tác động đến gia chủ không? Nếu muốn đặt ban thờ ông Công ông Táo thì phải chú trọng vấn đề gì? - Bạn Nguyễn Gia Phan (Hà Tĩnh) hỏi.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân, vấn đề thờ cúng ông bà tổ tiên, thần linh là vấn đề thuộc tín ngưỡng dân gian, không phải là vấn đề của tôn giáo cũng như khoa học phong thủy. Tín ngưỡng dân gian có tính vùng miền nên có dân tộc thờ thần tài có dân tộc không thờ, có vùng thờ ông Công ông Táo nhưng có vùng thì không. Thực chất, không thờ cúng cũng không ảnh hưởng gì tới gia chủ. Người châu Âu không có ông thần tài trong nhà và cũng chẳng có ban thờ ông Táo nhưng không vì thế mà họ kém giàu hơn người châu Á.
Các cụ có câu "Linh tại ngã, bất linh tại ngã", việc thờ cúng cần phải có niềm tin, có tin thì mới có linh, không tin thì không linh ứng. Nếu việc thờ cúng ông Táo đem lại niềm tin cho bạn thì bạn nên thờ. Nếu vẫn còn nghi ngờ thì cũng không nhất thiết phải thờ vì điều này cũng không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của bạn.
Việc đặt ban thờ ông Táo thông thường theo dân gian đặt luôn trong khu bếp, hướng có thể xoay cùng hướng với bếp nấu. Nhưng, nếu nhà nào không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
(Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, cung cấp nội dung khoa học phong thủy cho bạn đọc).
Vân Đài