Nhật ký gái gọi Manhattan (Diary of a Manhattan Call Girl) ghi lại quãng đời làm gái bán dâm của nhân vật Nancy ở khu thượng lưu Upper East Side của Manhattan, quận giàu có nhất của New York và nước Mỹ.
Nhân vật Nancy Chan được coi là hiện thân của chính tác giả Tracy Quan, người từng là gái bán dâm ở Manhattan, về sau trở thành tác giả sách và viết cho trang The Daily Beast và Salon. Trên các báo, cô viết đúng chuyên môn của mình: tư vấn về tình dục cho độc giả.
Chuyện từ người trong cuộc
Nancy trong Nhật ký gái gọi Manhattan là một nhân vật khá phức tạp: cô có dục vọng lớn nhưng cũng có khao khát kiếm tiền để có thể sống tốt tại nơi giàu có, đắt đỏ nhất nước Mỹ. Vậy nên cô lựa chọn một nghề nghiệp vừa được làm tình vừa kiếm ra tiền. Vây quanh cô là những người đàn ông thượng lưu lắm tiền, nhiều của và quyền lực. Giá của cô có thể lên đến 300 USD cho nửa tiếng đồng hồ.
Mâu thuẫn chính của Nancy xảy ra khi cô đem lòng yêu một người đàn ông làm việc ở Phố Wall, đính hôn với anh ta và phải mệt mỏi tìm cách giấu diếm công việc của mình. Cô phải tìm đến chuyên gia tâm lý để giúp bản thân tháo gỡ vướng mắc này.
Dù chất lượng cuốn sách gây tranh cãi gay gắt, đây vẫn là một trong những đầu sách hiếm hoi giúp độc giả biết về thế giới của gái bán dâm từ góc nhìn của người trong cuộc. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết kiêm tự truyện của Tracy Quan nên nhiều người cũng đánh đồng tác giả và nhân vật Nancy.
Mặc dù vậy, nếu độc giả mong đợi một câu chuyện lay động lòng người, tiết lộ những tâm tư tình cảm sâu xa của một cô gái bán dâm thì cuốn sách này gây thất vọng hoàn toàn. Nancy là một nhân vật nông cạn, lạnh nhạt, hầu như không có tâm tư tình cảm gì sâu xa và đáng tìm hiểu. Cô thậm chí còn gây khó hiểu vì những mục đích trái ngược: vừa muốn tiếp tục làm nghề gái gọi, vừa đồng ý kết hôn và cố gắng để giấu diếm chồng chưa cưới.
Cuốn sách cũng có nhiều cảnh nóng, điều phù hợp với chủ đề và nhân vật nhưng cách mô tả sống sượng cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều từ độc giả. Thậm chí có người nhận xét là "bẩn thỉu".
Bị coi là rác rưởi
Cả tác giả Tracy Quan lẫn nhân vật Nancy đều nhận được chỉ trích dữ dội từ người đọc. Nancy bị coi là một cô gái hời hợt với mọi thứ: tình yêu, hôn nhân, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng và chính cả nghề bán dâm mà cô nhất quyết giữ lấy chứ không chịu buông bỏ. Phần đông độc giả cho rằng đây là một nhân vật đáng ghét và không có gì để thông cảm.
|
Tác giả Tracy Quan có quá khứ là gái gọi. Ảnh: Getty Images. |
Thay vì tìm cách để độc giả đồng cảm với nhân vật, tác giả Tracy Quan dường như chỉ đưa ra một hình mẫu gái gọi đúng với những gì người ta vẫn ghét: thích lối sống trác táng, hưởng thụ nhưng vẫn muốn có tình yêu và một tương lai ổn định bên người đàn ông tử tế, đồng thời cũng không mấy trân trọng tình cảm của anh ta.
Trên diễn đàn đọc sách Goodreads, rất đông độc giả chấm cho cuốn sách từ 1 đến 2 sao (trên tổng số 5) và gọi cuốn sách là "rác rưởi".
"Nancy thậm chí còn không thích thú gì các khách hàng và việc quan hệ với họ, trong khi họ đều là những người lịch sự, vậy tại sao cô ta cứ bám lấy nghề nghiệp này? Tại sao cô ta vẫn nhận lời cầu hôn từ người bạn trai trong khi chẳng có vẻ gì là yêu và trân trọng anh ta? Còn người bạn trai không hiểu sao lại yêu cô ấy đến thế dù chẳng hiểu gì về bạn gái mình?", một độc giả đặt ra nhiều câu chất vấn.
Việc tác giả cho Nancy có ý muốn làm gái gọi từ năm 10 tuổi, bắt đầu làm từ năm 13 tuổi và với ông hàng xóm cũng khiến nhiều độc giả sốc. Đây có thể là một chi tiết có thật và không phải là hiếm gặp trong đời thực, nhưng cách nhân vật kể về nó với thái độ dửng dưng đã khiến độc giả khó có thể thương cảm.
Ngoài đời, tác giả Tracy Quan cũng thừa nhận có ý định làm gái gọi từ năm 10 tuổi, sau khi đọc cuốn sách The Happy Hooker (Cô gái điếm vui vẻ) của tác giả Xaviera Hollander.
Chính sự chủ động này đã giúp khẳng định thêm suy nghĩ của công chúng về những cô gái bán dâm "vì đam mê": họ chọn nghề này chứ không phải vì bị cuộc đời xô đẩy.
Theo Hạ Huyền/Zing News