Ngày 20/01/2025, ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ và chiến thắng lịch sử lần này được cho là nhờ “quân bài” kinh tế xuyên suốt chiến dịch tranh cử.
Trong nhiệm kỳ mới, chính sách kinh tế chủ đạo của ông Trump dự kiến tập trung ưu tiên phát triển nội lực và vực dậy nền sản xuất của Mỹ. Điều này không chỉ kích thích tăng trưởng trong nước, mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu, tạo ra những cơ hội và cả rủi ro.
Giới phân tích dự đoán, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu "Nước Mỹ là trên hết" thông qua "vũ khí địa chính trị" quan trọng là thuế quan vì nó đóng vai trò là công cụ chính trị đa mục đích, vừa kích thích sản xuất trong nước, vừa trừng phạt các quốc gia tham gia vào hoạt động thương mại không công bằng, cũng như mang lại hiệu quả trên bàn đàm phán, định hình lại thương mại toàn cầu để ưu tiên các lợi ích kinh tế của Mỹ trên toàn thế giới.
"Từ đẹp nhất trong từ điển là thuế quan và đó là từ tôi thích nhất", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào ngày 15/10/2024. Tiếp đó, ngày 25/11/2024, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada; áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên thuộc khối BRICS nếu nhóm này tạo ra đồng tiền chung hoặc sử dụng đồng tiền khác để thay thế đồng USD; tăng thêm 10% với hàng hóa Trung Quốc.
Tại chuỗi sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde từng cảnh báo rằng, các rào cản thương mại mới có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới và làm giảm GDP toàn cầu tới 9% trong một kịch bản xấu nhất. Trong khi đó, Bloomberg dự đoán thương mại thế giới sẽ giảm 7,5% nếu áp dụng toàn bộ thuế quan.
Bên cạnh rủi ro từ vấn đề thuế quan, thì tiền số được dự báo khởi sắc. Ông Trump tự nhận là "Tổng thống tiền số" và muốn những Bitcoin còn lại sẽ được tạo ra tại Mỹ sau khi ông lên làm Tổng thống.
Để lựa chọn nhân sự theo hướng tiếp cận này, tỷ phú Howard Lutnick, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald, rất quan tâm đến tiền điện tử, từng tham gia tích cực các hội nghị về bitcoin, đã được ông Trump lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Thương mại.
Ông Paul Atkins, người có quan điểm ủng hộ tiền điện tử, được đề cử vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk - một “nhà vô địch” khác về tiền điện tử - cũng đảm nhiệm vai trò lớn trong Chính quyền Trump 2.0 và có khả năng sẽ ủng hộ các biện pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường béo bở này.
Trên thực tế, thị trường tiền số đã có những tín hiệu tích cực sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Bitcoin liên tiếp lập đỉnh giá mới. Trong tuần đầu tháng 12/2024, đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới này có lúc đã đạt mức 103.000 USD - được xem là cột mốc lịch sử. Tính từ khi ông Trump giành chiến thắng, giá bitcoin đã tăng khoảng 45%.
Chiente Hsu, đồng sáng lập Công ty AlexGo, dự báo: "Bốn đến sáu năm tới có thể là khoảng thời gian cực kỳ thuận lợi cho lĩnh vực tài sản kỹ thuật số".
Ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh thế giới còn nhiều rối ren, khi mà bất ổn đang bao trùm nhiều khu vực với cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần 3 năm, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang...
Phân tích các chính sách từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và những bình luận của ông trong cuộc bầu cử năm 2024, tờ Diplomat dự đoán 4 điểm chính trong chính sách đối ngoại sắp tới của vị Tổng thống Mỹ thứ 47:
Thứ nhất, ông Trump có khả năng không hợp tác với đồng minh theo cách phối hợp hoặc theo thể chế quốc tế mà tùy cơ ứng biến.
Thứ hai, ông Trump trở nên khó đoán trong những bình luận về sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thứ ba, các đồng minh của Mỹ sẽ miễn cưỡng hơn trong việc cam kết với chính sách của nước này, vì lo ngại nguy cơ ông Trump sẽ từ bỏ theo một cách nào đó.
Cuối cùng, ông Trump có thể hợp tác với các đối tác của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ và Philippines.
Rõ ràng, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump không mặn mà với việc hợp tác đa phương và đặc biệt là các thể chế quốc tế. Việc ông lập tức rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015, những bình luận chỉ trích về NATO và sự ngờ vực của ông đối với Tổ chức Y tế Thế giới trong đại dịch COVID-19 là minh chứng cho điều đó. Mặc dù vậy, trong lần trở lại Nhà Trắng này, ông Trump có thể sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế hơn khi điều đó mang lại lợi ích cho nước Mỹ, nhất là về kinh tế.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn là tâm điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Giới phân tích dự báo, ông Trump sẽ thực hiện chính sách ưu tiên lợi ích quốc gia, gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để chia sẻ trách nhiệm an ninh. Nhưng trong tương lai, trong bối cảnh Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế, đặc biệt ở Biển Đông, đe dọa an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ, Mỹ có thể điều chỉnh động lực và ưu tiên đối với khu vực, tập trung vào an ninh hàng hải và hợp tác để duy trì tự do hàng hải.
Việc tiếp tục hợp tác với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và ASEAN có thể trở thành chiến lược quan trọng, thay vì tập trung vào thuế quan và đàm phán song phương.
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump từng tuyên bố có thể chấm dứt cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ khi trở lại Nhà Trắng, dù không nêu cụ thể cách thức thực hiện.
"Chúng tôi đang cố gắng chấm dứt xung đột. Một cuộc chiến đáng sợ và tồi tệ đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, nhưng chúng tôi đã có một chút tiến triển để hướng tới kết thúc cuộc xung đột này dù còn khó khăn. Nhất định phải chấm dứt", ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo vào tháng 12/2024.
"Chúng tôi muốn Nga dừng lại ở Ukraine và Kiev cũng vậy", Tổng thống đắc cử Donald Trump nói tiếp.
Chưa rõ kế hoạch cụ thể của ông Trump như thế nào nhưng chắc hẳn chính sách đối với Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ thay đổi đáng kể, nhất là việc dừng viện trợ cho các hoạt động quân sự của Ukraine. Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 62 tỷ USD. Ông Trump nhiều lần chỉ trích mức chi tiêu này và cho rằng châu Âu cần đảm nhận vai trò chính trong việc hỗ trợ Ukraine.
Theo Politico, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã xây dựng kế hoạch đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán. Trước đó, tháng 4/2024, Washington Post đưa tin ông Trump sẽ gây sức ép buộc Ukraine nhượng lại bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine mà Nga hiện đang nắm giữ phần lớn. Hai tháng sau đó, hai cố vấn hàng đầu của ông Trump đã đề xuất một kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Nga.
Khoảng hai tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, tín hiệu tích cực để đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột Nga-Ukraine xuất hiện. Ngày 5/1 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev sẵn sàng tiến hành đàm phán hòa bình với các bên liên quan trong tháng 1/2025.
"Chúng tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền ông Trump ngay từ đầu, có thể là ngày 25/1 hay bất cứ một ngày nào khác. Tiếp theo, Ukraine cần tiếng nói của châu Âu vì chúng tôi cũng là một phần của châu Âu, sau đó các cuộc đàm phán với Nga mới có thể diễn ra. Kiev sẽ chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nếu được đảm bảo an ninh. Mỹ và phương Tây cần ít nhất đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát", ông Zelensky nói.
Trở lại vấn về thuế quan, theo giới quan sát, đây sẽ là “quân bài mặc cả” của Chính quyền Trump với các nước. “Ông Trump luôn sử dụng thuế quan như một công cụ gây áp lực chính trị. Ông ấy không chỉ nhằm mục đích trừng phạt, mà còn muốn buộc các đối tác phải nhượng bộ trong các vấn đề như nhập cư, chống ma túy và bảo vệ việc làm cho người Mỹ”, Chuyên gia kinh tế Antoine Bouet thuộc Trung tâm Nghiên cứu CEPII nhận định.
Trung Quốc - “kỳ phùng địch thủ” của Mỹ trong cuộc chiến thương mại - sẵn sàng ứng phó nếu ông Trump tung "vũ khí" thuế quan.
Theo Yu Jie, chuyên gia tại Viện Chatham (Anh), để chuẩn bị cho kịch bản đối phó, trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh thực hiện tăng cường thương mại với các nước đang phát triển. Trung Quốc đã cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng như gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng…; đồng thời hạn chế các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc ông Trump cân nhắc bất cứ kế hoạch thuế quan nào.
Ở khía cạnh này, Trung Quốc có vẻ đụng vào “yếu huyệt” của ông Trump vì hãng xe điện Tesla của CEO Elon Musk - “người hậu thuẫn” vị Tổng thống Mỹ thứ 47 đang có mối quan hệ làm ăn lớn với Trung Quốc khi nhận hàng tỷ USD tiền vay giá rẻ, trợ cấp và miễn thuế… Do vậy, tỷ phú Elon Musk được dự đoán đóng vai trò "ảnh hưởng điều tiết" đối với các mức thuế quan mà ông Trump đã lên kế hoạch, tạo ra một "cầu nối quan trọng" giữa Trung Quốc và Mỹ.
Canada, quốc gia láng giềng mà ông Trump dọa sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đã nỗ lực tìm cách xoa dịu ông Trump. Ngày 29/11/2024, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump để ăn tối và tìm cách thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi ý định. Hai tuần sau bữa tối, kế hoạch chi tiết của Thủ tướng Canada được hé lộ.
Cụ thể, Canada xây dựng một kế hoạch quy mô lớn trị giá 1 tỷ CAD (694 triệu USD) để giải quyết những lo ngại do ông Trump nêu ra về biên giới chung giữa hai quốc gia, xem xét các khoản đầu tư công nghệ để phát hiện và hạn chế dòng chảy của fentanyl tại biên giới, cũng như đầu tư vào các cơ sở dữ liệu tốt hơn cho phép chính quyền Mỹ có được thông tin cơ bản về những người vượt biên, từ đó giúp kiểm soát biên giới tốt hơn,...
Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau cũng nhấn mạnh Canada sẽ có các biện pháp trả đũa nếu ông Trump nhất định áp thuế, song ông không cung cấp thông tin chi tiết.
Mexico tuyên bố, đề xuất áp thuế của Mỹ có thể vi phạm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Mỹ - Mexico và Canada. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard nhấn mạnh, nước này sẽ trả đũa tương xứng nếu ông Trump thực hiện đề xuất áp thuế toàn diện ở mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico. Ông cảnh báo thêm rằng hành động trả đũa của Mexico có thể làm mất đi 400.000 việc làm ở Mỹ và đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng nước này.
“Chúng tôi có kế hoạch ứng phó. Tôi tin rằng Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ, Mexico và Canada sẽ vẫn được duy trì, bởi nó giúp ích cho cả ba nền kinh tế. Mỹ hiểu điều này”, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nói, đồng thời kêu gọi Mỹ thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực nhiều hơn, thay vì châm ngòi cho một cuộc chiến thuế quan mới.