Tổng thống Mỹ và chuyện sử dụng súng ở Mỹ

Google News

Chuyện sử dụng súng là chủ đề nóng trong những cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống Mỹ trong thời gian qua.

Sử dụng súng ở Mỹ là chuyện luôn nóng trong xã hội Mỹ, chính trường Mỹ gần đây. Nhưng dù thế nào thì cũng không thể chối bỏ sự thật Mỹ là thiên đường của súng, lịch sử nước Mỹ gắn liền với súng. Những người tạo dựng cho nền độc lập của nước Mỹ không chỉ sống trên lưng ngựa mà còn luôn để súng trên tay.
Dùng súng để đánh bóng bản thân
Súng mang lại nguồn lợi khổng lồ cho nước Mỹ thúc đẩy nền kinh tế nước này trở nên thịnh vượng. Trong điện ảnh, những bộ phim nặng mùi thuốc súng của Mỹ áp đảo tại các rạp chiếu phim, còn trong thể thao, bắn súng là mỏ huy chương của Mỹ. Nhìn lại các kỳ Olympic mùa hè trong nhiều năm, Mỹ dẫn đầu thế giới với tổng cộng 107 huy chương (trong đó có 53 huy chương vàng), bỏ xa Trung Quốc và Liên Xô khi mỗi nước chỉ có tổng cộng 49 huy chương.
Tong thong My va chuyen su dung sung o My
 
Người dân Mỹ thích súng ống hơn dân nước khác và các tổng thống Mỹ mê súng ống hơn các lãnh đạo nước khác. Trong quá khứ, đã có những tổng thống Mỹ coi việc giỏi súng là kỹ năng cần thiết để giữ mạng sống. Có người đã sống chết trước hòn tên mũi đạn.
Theo Daily Beat, tổng thống thứ 26 của Mỹ Teddy Roosevelt (1901-1909) khoe đã dẫn đầu đoàn kỵ binh danh tiếng Rough Riders trong trận chiến cao điểm San Juan của Cuba. Ông kể lại mình là người đầu tiên xông đến chiến hào địch dùng súng ngắn hạ gục một kẻ địch. Roosevelt xuất thân là quân nhân nên việc dùng súng với ông rất dễ dàng. Ông Roosevelt còn có một hình ảnh xấu mà đến giờ nước Mỹ không muốn trưng ra lắm là vụ đi săn ở Kenya năm 1909 và khoe khoang việc bắn gục một con tê giác 2 sừng rất to hay một con voi nặng vài tấn.
Tổng thống Grover Cleveland (tổng thống thứ 22 (1885-1889) và thứ 24 (1893-1897) có vinh dự được đặt tên cho một trường bắn tại Mỹ. Điều đó chứng tỏ ông là một tay thiện xạ. Và thật sự thì Cleveland khi còn là cảnh sát trưởng hạt Erie, bang New York, ông đã tự tay bắn chết 2 tên tội phạm. Nhìn chung, các tổng thống Mỹ trước kia đều thạo súng ống vì đàn ông Mỹ khi ấy coi súng như đồ hộ thân.
Không chỉ các tổng thống thời xưa mà các tổng thống của Mỹ sau này đều biết đến súng ống. Vì như đã nói, súng gắn với lịch sử Mỹ nên một vị tổng thống Mỹ biết cầm súng sẽ được cho là một người bản lĩnh, dũng cảm, dám đối mặt với thách thức và quyết đoán trước kể địch. Chẳng hạ như Ronald Reagan không chỉ tạo hình ảnh đẹp khi cầm súng lúc đóng phim cao bồi mà còn rất hãnh diện khi chụp ảnh cầm súng nhắm vào một nhân viên trên chiếc chuyên cơ phục vụ tổng thống. Mấy vị tổng thống khác không dùng súng kiểu "vũ khí sát thương" thì cũng ráng làm mấy kiểu ảnh chơi súng thể thao như Bill Clinton, George Bush hay Barack Obama. Tuy nhiên, họ cũng không dám dùng súng săn vì sợ bị dư luận lên án kiểu như Roosevelt săn tê giác, voi.
Tong thong My va chuyen su dung sung o My-Hinh-2
 Tổng thống Bush đi săn thú
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy trong các cuộc vận động tranh cử gần đây, nhiều ứng cử viên tận dụng hình ảnh súng ống để làm màu trước cử tri. Các cựu quân nhân như John Kerry, John McCaine khoe khả năng dùng súng thì cũng hợp nhãn nhưng ngay cả đến bà Sarah Palin cũng phải tạo dáng với súng. Khi nỗ lực ghi điểm cùng ông McCain trong liên danh tranh cử tổng thống và phó tổng thống Mỹ năm 2007, bà thống đốc bang Alaska đã đến thăm trại lính ở Kuwait và gây sốc khi mượn tạm súng của một tay bắn tỉa ra để chụp ảnh.
Ở cấp địa phương thì chuyện dùng súng lấy le còn ghê gớm hơn. Chẳng hạn như nam tài tử Arnold Schwarzenegger năm 2009 khi làm thống đốc bang California không ngại xuất hiện trên đường phố với khẩu bazooka hay thống đốc bang Texas Rick Perry năm 2010 tạo hình ngoài phố với khẩu súng lục giơ cao trên đầu.
Đến chuyện đấu súng bảo vệ danh dự
Nhưng nếu nói chuyện rằng người dùng súng cận chiến giỏi nhất trong các tổng thống Mỹ thì phải kể đến Andrew Jackson, tổng thống thứ 7 (1829-1837). Jackson khi chưa làm tổng thống có thói quen là thách đấu súng để bảo vệ danh dự. Năm 1806, do viên chưởng lý Charles Dickinson nói Rachel, bà vợ của Jackson nợ nần vì đua ngựa, nên Jackson rất tức giận.
Hai người đã giải quyết khúc mắc bằng một cuộc đấu súng. Dickinson là tay thiện xạ và trong phát đầu đã bắn trúng ngực trái của Jackson. Dù vậy, Jackson vẫn gượng đứng vững để bắn lại khiến địch thủ vong mạng. Viên đạn không vào tim nhưng Jackson bị thương nặng, người ta kể rằng viên đạn đó găm chặt trong cơ thể của Jackson như bằng chứng về tình yêu dành cho vợ.
Cũng xin kể thêm là Jackson không phải người chồng đầu của bà Raquel. Chồng trước của bà Raquel là một kẻ vũ phu. Jackson khi còn là một công tố viên đã trọ ở nhà mẹ của Raquel và phải chứng kiến nỗi khổ của Raquel khi bị chồng đuổi về nhà cha mẹ. Từ đó hai người có tình cảm. Gã chồng của Raquel tức giận và kể khắp nơi về việc công tố viên quyến rũ gái có chồng. Jackson lúc đó cũng thách đấu súng với tình địch nhưng vụ đó không xảy ra vì tình địch nhát gan.
Tong thong My va chuyen su dung sung o My-Hinh-3
 Cảnh Hamilton và Burr đấu súng với nhau
Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ (1861-1865) khi chưa vào Nhà Trắng cũng từng suýt đấu súng. Năm 1842, Lincoln đã nhận lời đấu súng viên kiểm toán bang Illinois James Shields vì ông này cho rằng bị Lincoln giễu cợt trên báo. Rất may là phút cuối họ làm hòa do phát hiện có sự hiểu lầm.
Khi đương nhiệm thì các tổng thống không bao giờ mạo hiểm đem tấm thân đại diện cho đất nước ra đấu súng cả. Tuy nhiên, phó tổng thống đương nhiệm Mỹ đi đấu súng thì đã từng xảy ra. Cuộc đấu súng kinh điển giữa hai chính trị gia khét tiếng của Mỹ Burr–Hamilton vào năm 1804 đã được ghi vào sử sách. Aaron Burr và Alexander Hamilton đều là những phụ tá của tổng thống lập quốc George Washington. Nhưng khác biệt quan điểm chính trị đã đẩy họ thành kẻ thù. Cao trào được đẩy đến điểm sôi vào năm 1804 và họ chỉ còn cách đấu súng để giải quyết. Khi đó Burr đang là Phó tổng thống Mỹ còn Hamilton là Bộ trưởng tài chính.
Cả hai đã chọn Weehawken, bang New Jersey là nơi quyết đấu. Đây cũng chính là nơi mà con trai của Hamilton bị sát hại trong cuộc đấu súng năm 1801. Trong cuộc đấu súng này, Hamilton bắn trước và đạn bay lên trời. Burr là người bắn sau nhưng hạ gục được đối thủ ngay từ phát đầu. Sáng hôm sau, Hamilton qua đời. Tuy sống sót nhưng sau vụ đấu súng này, sự nghiệp chính trị của Burr tan tành.
Các cuộc đấu súng giữa các chính trị gia Mỹ còn kéo dài đến tận cuối thế kỷ 19 mới kết thúc. Tuy nhiên, xã hội Mỹ vẫn chẳng vì thế mà bình yên đi khi súng vẫn được bày bán và sử dụng rộng rãi. Thỉnh thoảng lại có tin về những vụ xả súng ở đâu đó trên khắp 50 bang và người ta biết rằng đó không phải là một cuộc đấu súng nghiêm túc vì danh dự như các chính trị gia thời trước.
Theo Một thế giới