Đại gia xài súng, đi xe biển xanh
Thông tin nổi bật nhất trong mấy ngày gần đây đó chính là ông Nguyễn Văn Đệ (tức “bầu” Đệ), người giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực, được cấp súng bắn đạn cao su. Cơ quan cấp súng bắn đạn cao su của ông Đệ là Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Thanh Hóa). Khi thông tin trên được một tờ báo phản ánh thì dư luận tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao người đứng đầu một bệnh viện tư nhân lại có thể được cấp súng và ông giám đốc này cần súng để làm gì?
|
"Bầu" Đệ và khẩu súng được cấp. (Nguồn năng lượng mới) |
Câu chuyện đại gia Việt xài súng (công cụ hỗ trợ) như “bầu” Đệ không còn là chuyện mới. Đơn cử, vào ngày 29/12/2014, trong khi thực hiện nhiệm vụ tại nút giao thông Phan Đình Phùng - Hàng Đậu (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) Tổ công tác đặc biệt Y2/14 (Công an Hà Nội) kiểm tra xe ô tô nhãn hiệu Lexus, mang biển kiểm soát 99L-3999 phát hiện trong cốp xe có chứa một khẩu súng bắn đạn hơi cay, côn 3 khúc, lò xo và dùi cui điện. Khai thác nóng tại chỗ, lái xe khai nhận tên là Nguyễn Thanh Bình (ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) và cho biết, toàn bộ số vũ khí trên là của ông Mẫn Ngọc Anh, lãnh đạo một công ty trên địa bàn huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đối tượng Bình cũng cho biết, số vũ khí trên xe đều được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng.
Không chỉ được phép xài súng mà hiện nay nhiều đại gia còn đi xe biển xanh, đi biển tứ quý 9999 đang gây bất bình trong dư luận.
Bình luận về hiện tượng này, PGS. TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Đây là hiện tượng xuất phát từ tâm lý thích khoe mẽ theo kiểu “trưởng giả học làm sang”. Việc đại gia phải có súng, đi xe biển xanh là hoàn toàn đáng lên án. Họ nghĩ rằng như thế là oai, là nổi trội hơn so với mặt bằng chung xã hội. Việc khẳng định mình giàu có, sang trọng là cần thiết và được xã hội tôn trọng nhưng phải đúng pháp luật. Còn việc khoe mẽ không đúng nơi, đúng chỗ sẽ phản tác dụng, thậm chí vi phạm pháp luật”.
Giàu đến mấy cũng không thể đứng ngoài pháp luật
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Bình, Trưởng văn phòng luật sư Thành Trung (đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, muốn được trang bị công cụ hỗ trợ, đặc biệt là súng bắn đạn cao su thì phải có tập huấn kỹ lưỡng, được cơ quan công an có thẩm quyền cấp chứng chỉ chứ không phải ai cũng được trang bị. Bởi, dù súng bắn đạn cao su là một dạng công cụ hỗ trợ nhưng nếu bắn vào chỗ hiểm thì cũng có khả năng gây chết người.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban kiểm tra Trung ương) cho rằng: Việc các cơ quan chức năng cấp phép cho các đơn vị, cá nhân sử dụng súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay cần phải xem xét lại quy trình cấp, đối tượng cá nhân, pháp nhân được cấp có đúng hay không. Như một số vụ việc báo chí nêu cho thấy việc cấp phép dùng súng, xe biển xanh trong thời gian vừa qua ở một số địa phương rõ ràng là có vấn đề.
“Tôi cho rằng, cần phải rà soát lại việc cấp phép dùng súng, xe biển xanh có đúng đối tượng hay không, nếu sai, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cấp phép như thế nào, mục đích là gì cũng phải làm rõ. Không thể có chuyện người giàu có, nhiều tiền muốn làm gì, có gì cũng được, mọi công dân phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật” - ông Phan Xuân Xiểm nhận định.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Cần phải xem xét tư cách pháp nhân của ông Đệ. Tại sao ông ta là người làm việc cho ngành y tế lại có súng phòng thân? Trong việc này, cứ chiếu theo quy định về việc cấp súng để làm rõ đúng sai. Nếu phát hiện sai phạm thì phải thu lại súng và xử lý trách nhiệm cả cơ quan cấp phép sử dụng súng”.
“Bầu” Đệ từng nổ súng giải tán đám đông!
Trả lời phỏng vấn về việc được cấp súng với PV một tờ báo, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, một số thông tin cho rằng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Thanh Hóa) cấp súng bắn đạn cao su cho ông ta là không đúng. Bởi trong giấy phép, Công an tỉnh cấp súng bắn đạn cao su cho Tổng công ty Hợp Lực chứ đâu phải cấp cho cá nhân ông Đệ.
Để bảo vệ tính mạng và tài sản cho bệnh nhân và bệnh viện, Công an tỉnh cấp súng bắn đạn cao su cho Ban bảo vệ chuyên trách, là công cụ hỗ trợ để phòng vệ khi cần thiết... Tuy nhiên, “bầu” Đệ cũng thừa nhận, trong một vụ ẩu đả giữa bọn côn đồ với người nhà bệnh nhân trong khu vực bệnh viện, khi đó lực lượng bảo vệ không thể dùng lời nói để can thiệp và giải tán được. Chứng kiến cảnh tượng đó, xét thấy tình tiết nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người nhà bệnh nhân, ông này đã về phòng lấy súng bắn chỉ thiên, nghe tiếng súng khi đó bọn côn đồ mới tháo chạy và giải thoát được cho người nhà bệnh nhân an toàn.
Đối tượng nào được cấp phép sử dụng súng công cụ hỗ trợ?
Theo luật sư Nguyễn Văn Bình, những đối tượng được phép sử dụng súng công cụ hỗ trợ được quy định theo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (số 25/2012/NĐ-CP). Theo đó, các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; An ninh hàng không; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường;
Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Cơ quan thi hành án dân sự; Thanh tra chuyên ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư; Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và một số trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo Trinh Phúc - Vũ Phương/ Người Đưa Tin