Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định với các phóng viên rằng một tài liệu đang được lan truyền rộng rãi tại Thái Lan nói rằng các tướng quân đội cấp cao đã bị sa thải là "tin giả".
"Vấn đề đang được điều tra và thủ phạm sẽ bị trừng phạt" – Thủ tướng Prayut tuyên bố.
Hashtag #ThaiCoup (tạm dịch: Đảo chính Thái Lan) đã trở thành một xu hướng hàng đầu trên mạng xã hội Twitter ở Thái Lan kể từ hôm 10-2, sau khi tài liệu nói trên được chia sẻ.
Không chỉ riêng tài liệu giả này khiến người dùng mạng Thái Lan chú ý. Một tài liệu chính thức cũng đã rò rỉ trên mạng vào hôm 9-2. Tài liệu này yêu cầu cảnh sát chống bạo động đến bảo vệ các cơ sở quan trọng ở trung tâm tỉnh Phichit. Cảnh sát Thái Lan sau đó khẳng định sự triển khai này chỉ đơn thuần là một hoạt động thường lệ.
|
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Reuters |
Vấn đề càng nhận được sự chú ý khi một vài người dùng mạng Thái Lan chia sẻ ảnh xe tăng di chuyển trên các tuyến đường hồi cuối tuần rồi. Giới chức Thái Lan sau đó thông báo rằng đây chỉ là một động thái chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên Cobra Gold (tạm dịch: Hổ mang vàng) sắp tới.
Tin đồn đảo chính xuất hiện sau khi Thái Lan trải qua "động đất chính trị" vào hôm 8-2 khi lần đầu tiên trong lịch sử, một thành viên hoàng gia ứng cử chức thủ tướng. Tuy nhiên, kế hoạch tranh cử này đã bị hủy bỏ sau khi Quốc vương Thái Lan lên tiếng phản đối.
Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính thành công kể từ khi quốc gia này theo chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932. Lần gần đây nhất đảo chính thành công là vào năm 2014.
Theo Cao Lực/Người lao động